Tiêu hủy đàn heo, phạt tù khi phát hiện chất cấm

Cập nhật, 17:37, Thứ Hai, 28/03/2016 (GMT+7)

Theo Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được chính thức áp dụng vào 1/7 tới đây, những tội phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể lãnh mức án 20 năm tù, bị phạt tiền tới 1 tỷ và bị cấm sản xuất, kinh doanh.

Người chăn nuôi heo đứng trước nguy cơ mất trắng và đàn heo sẽ bị tiêu huỷ nếu dùng chất cấm.


Quyết liệt ngăn chặn triệt để chất cấm

Từ tháng 11/2015 Thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) ráo riết phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công An) đã thành lập nhiều chuyên án kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi heo cả nước, điều tra và triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Kết quả cho đến nay đã phát hiện, thu thập được trên 40 cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi với trên 100 mã sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, tiến hành xử lí 18/40 trường hợp sử dụng chất cấm, xử phạt vi phạm hành chính trên 2,6 tỷ đồng. 

Hiện Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật dược sửa đổi. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho, công ty mua, công ty bán…

Cùng với những động thái ráo riết ngăn chặn chất cấm từ khâu nhập, sản xuất, phân phối và tiêu thụ là việc chỉnh sửa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật như thông tư về tiêu hủy, điều chỉnh mức xét nghiệm để dễ dàng phát hiện chất cấm.

Tháng 11/2015, các bộ ngành vào cuộc quyết liệt, trình Quốc hội thông qua những điểm sửa đổi về chất cấm trong chăn nuôi trong Bộ luật hình sự. Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù đến 20 năm.

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNN, mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Cụ thể, bộ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến luật theo cách thức mới: Khi thanh tra những lò mổ, nếu phát hiện có chất cấm sẽ mời các cơ quan báo đài vào quay hình để có phóng sự trực tiếp, tăng cao tính răng đe. Bên cạnh đó, Bộ sẽ thông báo rộng rãi đường dây nóng của bộ để người dân, cơ quan đoàn thể phối hợp lật tẩy những cơ sở vi phạm. 

Phát biểu tại Hội thảo do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 23/3 vừa qua về Chất cấm trong chăn nuôi: Thực trạng và giải pháp, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Các bộ ngành phải đồng loạt vào cuộc truy quét những đối tượng vi phạm.

Thời gian qua, chỉ có 20 địa phương là quyết liệt, số còn lại khá lúng túng nên việc xử lý chưa triệt để. Khi 63 tỉnh thành đều quyết tâm, cộng với sự phối hợp dọc – từ trung ương đến địa phương, phối hợp ngang Bộ NN&PTNN cùng bộ công an, bộ công thương và bộ y tế thì sẽ dứt điểm tận gốc thực trạng nhức nhối về chất cấm trong chăn nuôi”.

Bị phạt tù, nguy cơ mất trắng, heo bị tiêu hủy khi vi phạm

Đại tá Trần Trọng Bình - Cục phó Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho biết theo các quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước.

Với Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 với điều 317 nói riêng và điều 191, 193 nói chung nâng cao tối đa tính răn đe khi cấu thành phạt tù cơ bản 5 năm, nặng 20 năm, phạt tiền tới 1 tỷ. người vị phạm sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm sản xuất, cấm kinh doanh, người chăn nuôi không chỉ bị mất trắng khi đàn heo bị tiêu huỷ mà còn bị phạt tù theo tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm”.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, những tội phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, đầu tiên, khoản 1 của các tội phạm này đều cấu thành hình thức. Tức là chỉ cần đưa hóa chất cấm không được sử dụng vào thực phẩm, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và đưa vào thực phẩm thì đã đủ yếu tố để khẳng định anh đã phạm tội”.

Theo HNMO