Cha qua đời, chị em tranh giành đất

Cập nhật, 07:37, Thứ Ba, 23/12/2014 (GMT+7)

Chị em sống hòa thuận với nhau nhưng từ khi cha qua đời mà không để lại di chúc, trong gia đình bỗng nổi lên sóng gió.

Chị Nguyễn Thị Bé Sáu (xã Tân Lược- Bình Tân) trình bày: Gia đình có 8 chị em vốn sống rất hòa thuận. Hồi cha còn sống có chia đất cho các con. Con trai hưởng đất nhiều hơn, được 6 công (1 công/1.000m2), còn con gái chỉ 2 công, nhưng những phần đất này không chiết thửa ra mà cha vẫn còn đứng tên sở hữu. Tới khi cha qua đời mà không để lại di chúc, chị em trong gia đình xảy ra tranh chấp.

Đứa em trai Nguyễn Văn Tám tự ý đến xã đăng ký chuyển toàn phần 12,8 công đất sang tên mình sở hữu. Sau này, Tám hợp đồng chuyển nhượng hết phần đất trên cho người chị thứ sáu, với giá trị là 195,5 chỉ vàng 24K.

Tuy phần đất trên có 2 công mà cha mẹ cho trước đó nhưng chị Sáu cũng giao đủ số vàng cho Tám. Song, vụ việc tranh chấp bởi Tám không đồng ý cho các hộ giáp ranh ký tên để hoàn thành thủ tục chuyển nhượng. Sau nhiều lần hòa giải nội bộ không thành, chị Sáu kiện đứa em ra tòa.

Anh Tám thừa nhận, khi cha còn sống có hứa chia đất cho chị em gái, tuy nhiên sau này gia đình gặp khó khăn nên không cho nữa. Năm 2001, cha qua đời không để lại di chúc, anh đến UBND xã làm thủ tục chuyển nhượng toàn bộ phần đất trên.
 
“Từ nhỏ tôi sống với cha mẹ và có nhiều công sức đóng góp, chăm sóc cha mẹ. Khi cha qua đời phần đất con trai trong nhà hưởng để phụng dưỡng, thờ cúng ông bà…”- anh Tám lý giải. Phần đất trên sau này anh Tám chuyển nhượng cho chị Sáu nhưng mẹ và tất cả chị em còn lại không ai hay biết, cũng từ đó xảy ra tranh chấp.

Theo pháp luật, việc anh Tám chuyển quyền thừa kế sử dụng đất của cha không có chữ ký và được sự đồng ý của những thành viên trong gia đình thì không hợp pháp. Bởi thế việc hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa anh với chị Sáu cũng không hợp pháp.
 
Từ những căn cứ này, TAND huyện Bình Tân quyết định vô hiệu việc chuyển quyền thừa kế và hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa anh Tám với chị Sáu.

Theo quy định của pháp luật thì giao dịch dân sự vô hiệu, không phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập và khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Theo đó, anh Tám có trách nhiệm trả lại 195,5 chỉ vàng 24K cho chị Sáu và chị Sáu trả lại phần đất chuyển nhượng cho anh Tám.

Về phần chia thừa kế tài sản đất, khi còn sống cha chị Sáu có cho chị 2 công đất ruộng. Tuy đây chỉ là hình thức hợp đồng miệng, quyền sở hữu cha chị vẫn còn đứng tên và chưa làm hợp đồng tặng cho chị Sáu theo đúng quy định pháp luật, song, qua các cuộc hòa giải ở cơ sở, các thành viên trong gia đình cũng thừa nhận cha có cho chị Sáu 2 công đất.

Mặt khác, theo pháp luật quy định, cha mẹ qua đời không để lại di chúc thì phần tài sản của chung gia đình và các thành viên trong gia đình có quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. Bởi thế, tòa chấp nhận chị Sáu được hưởng một phần thừa kế của cha để lại là 2 công đất.

Vụ việc cuối cùng được giải quyết theo pháp luật, nhưng kẻ thắng người thua kiện ai cũng không vui, bởi vì chuyện “gà cùng một mẹ đá nhau” chỉ vì tài sản của cha để lại mà tình cảm chị em rạn nứt. Ông bà ta có câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Lẽ nào tình máu mủ ruột rà không bằng miếng đất vô tri, vô giác ấy?

Đất đai tài sản luôn gắn liền với cuộc sống của mọi người và đôi khi cũng vì đất mà nhiều người quên đi tình thâm ruột thịt, tranh giành lợi ích riêng tư để rồi dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc. Thiết nghĩ, khi xảy ra tranh chấp tài sản trong nội bộ gia đình, mọi người cần bình tĩnh giải quyết vấn đề trên tinh thần bao dung, chia sẻ, yêu thương nhau thì sẽ có kết quả tốt hơn.

HOÀI NAM