Rắc rối hợp đồng giấy tay

Cập nhật, 07:55, Thứ Ba, 29/10/2013 (GMT+7)

Ở cùng xóm tin tưởng lẫn nhau, nên khi chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) 2 bên chỉ làm giấy tay không qua chứng thực của chính quyền địa phương. Sau đó, khi làm thủ tục sang thì 2 bên xảy ra tranh chấp phải nhờ đến tòa án giải quyết.

Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự huyện Long Hồ, ông Trịnh Văn Quí trình bày: Năm 1992, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lâm và bà Đỗ Thị Lã cùng ở ấp Phước Bình B (Phú Quới- Long Hồ) có hợp đồng chuyển nhượng cho ông phần đất diện tích 4.000m2 (đất lúa), thửa 1351 tọa lạc ấp Phước Bình B, với giá 22 chỉ vàng 24K.

Chỗ tình làng nghĩa xóm thân thiết, tin tưởng nhau nên 2 bên chỉ làm hợp đồng bằng giấy viết tay và có chữ ký 2 bên rõ ràng làm bằng chứng. Phía ông Lâm còn giao cho ông giấy biên lai QSDĐ.

Sau đó, ông Quí canh tác 4.000m2 đất ruộng và có nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp hàng năm. Đến năm 1995, UBND xã Phú Quới có thông báo những hộ có chuyển QSDĐ trước đó đến làm thủ tục sang tên.

Ông và ông Lâm có đến xã làm thủ tục chuyển nhượng đúng theo quy định về địa chính phần đất 4.000m2 để hợp thức hóa hợp đồng giấy tay trước đó. Khi cán bộ địa chính xã đến đo đạc tách thửa, ông Lâm cũng đồng ý xác định ranh đất.

Tuy nhiên, khi đo đạc xong thì ông Lâm không ký vào biên bản mà không đưa ra lý do. Một thời gian sau, cán bộ địa chính xã tiếp tục tiến hành đo đạc lần 2 và lần này ông Lâm gây khó bằng cách… chỉ ranh đất chuyển nhượng nằm ở dưới con kinh công cộng nên không thể đo được.

Biết vụ việc đã rắc rối và để đảm bảo quyền lợi, ông Quí đem biên lai đến UBND xã Phú Quới nhận giấy QSDĐ mang tên của ông Lâm về cất giữ làm vật chứng. Sau đó, kiện ông Lâm buộc phải thực hiện hợp đồng chuyển QSDĐ cho ông…

Vụ việc rắc rối thêm khi ông Lâm và bà Lã khẳng định không có chuyển nhượng 4.000m2 mà chỉ cầm cố cho ông Quí, với giá 22 chỉ vàng 24K. Hợp đồng chuyển nhượng ông Quí tự lập, vì ông Lâm không biết chữ.

Chuyện ông giao biên lai QSDĐ là vì tin tưởng anh em cùng xóm đưa cất dùm sợ bị thất lạc và không hiểu quy định của luật pháp về chuyển nhượng đất đai. Bây giờ, ông xin ông Quí được chuộc lại phần đất trên với giá như cầm cố trước đó (22 chỉ vàng 24K)…

Vụ việc ngày càng phức tạp bởi 2 bên không thỏa thuận được, kéo dài hơn 10 năm và qua nhiều cấp hòa giải nhưng không thành. 2 bên đều tranh giành quyền lợi cho mình mà không đưa ra những giấy tờ, chứng cứ hợp pháp để chứng minh.

Sau khi thụ lý đơn kiện tranh chấp đất của ông Quí, Tòa án nhân dân huyện Long Hồ phải mất nhiều thời gian để thu thập chứng cứ từ thực tế. Qua đó, tòa cũng xác định được hợp đồng chuyển nhượng đất thời điểm đó (năm 1992) giữa ông Quí và ông Lâm, giá đất ruộng khoảng 70.000đ/m2, tương đương 4- 5 chỉ vàng 24K/công (1.000m2). Ngoài ra, qua trưng cầu giám định cũng xác nhận được chữ ký ông Lâm trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và một số chứng cứ khách quan hợp lý khác. Như vậy, đủ chứng cứ ông Lâm chuyển nhượng QSDĐ phần đất 4.000m2 cho ông Quí.

Qua xem xét những chứng cứ có được, HĐXX chấp nhập đơn khởi kiện của ông Quí và buộc ông Lâm, bà Lã phải thực hiện hợp chuyển nhượng QSDĐ cho ông Quí diện tích 4.000m2 đất ruộng như thỏa thuận trước đó giữa 2 bên.

Vụ án được giải quyết bằng luật pháp và 2 bên ra về với thái độ không còn thân thiện như trước kia.

Hiện nay, nhiều người dân nông thôn thường tin tưởng lẫn nhau chỉ làm hợp đồng giấy tay khi chuyển nhượng QSDĐ nên rất dễ xảy ra tranh chấp sau này. Để hạn chế tình trạng trên, người dân cần có hợp đồng chặt chẽ hơn, đúng thủ tục về địa chính và phải có chứng thực của chính quyền địa phương để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên sau này

NGỌC THUẬN.