Vùng đất chín sông "sống chung" với hạn mặn

Cập nhật, 14:54, Thứ Sáu, 31/05/2024 (GMT+7)

Vấn đề xâm nhập mặn, thiếu nước mùa khô vùng ĐBSCL sẽ không còn mang tính “chu kỳ” nữa mà trở thành thường xuyên hàng năm. Để đảm bảo ổn định cho sản xuất và đời sống, các địa phương phải có phương án sống chung với hạn mặn mùa khô.

LTSTheo các ngành chuyên môn, vấn đề xâm nhập mặn, thiếu nước mùa khô vùng ĐBSCL thời gian tới sẽ không còn mang tính “chu kỳ” nữa mà trở thành thường xuyên hàng năm nhất là khi vùng thượng nguồn xuất hiện các công trình thủy lợi của nước bạn, lượng nước ngọt đổ về hạ nguồn giảm. Do đó, để đảm bảo ổn định cho sản xuất và đời sống, các địa phương phải có phương án sống chung với hạn mặn mùa khô, có biện pháp thích ứng với thiên tai.

Trong bài 2 của loạt bài “Vùng đất chín sông chủ động ứng phó với hạn mặn”, nhóm phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực ĐBSCL có bài đề cập đến vấn đề này.

Từ nguồn ngân sách TW và địa phương đến nay, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi khép kín để ngăn mặn trữ ngọt mà nổi bất như:  công trình Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang); cống âu Kênh Nguyễn Tấn Thành, hệ thống cống ven sông Tiền (Tiền Giang), Rạch Chanh (Long An); cống Tân Phú - Bến Rớ ( Bến Tre)... đã phát huy hiệu quả.

Vấn đề cần quan tâm là nguồn nước sinh hoạt ở vùng cù lao, vùng ven biển khi vào cao điểm hạn mặn sẽ thiếu nước cục bộ. Giải pháp quan trọng nhất là các hộ dân nơi đầu tư mua sắm các dụng cụ chứa nước, đào ao, mương chứa nước ngọt phục vụ trong cao điểm mùa khô.

Thực tế cho thấy, trong đợt khô hạn vừa qua, không ít hộ dân trong vùng khi có lu hồ, đào ao trữ nước ngọt không chỉ đủ nước phục vụ sinh hoạt mà còn có thể trồng rau màu có nguồn thu nhập khá.

Công trình cống Bến Rớ do Bộ Nông nghiệp-PTNT đầu tư tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
Công trình cống Bến Rớ do Bộ Nông nghiệp-PTNT đầu tư tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

Ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang khuyến cáo:  “Trong thời gian tới do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên sông sẽ bị xâm nhập mặn, nước ngọt giảm, cho nên khuyến cáo bà con trường hợp có đất nên đào ao để tích trữ nước.

Đất nhiều thì đào ao rộng, đất ít thì đào ao hẹp để tích trữ nước phục vụ sản xuất, cây trồng trong mùa khô hàng năm là tốt nhất. Nước sinh hoạt thì bà con mua thùng, bồn chứa nước, nếu không thì bà con mua các túi nilon bỏ xuống mương trữ nước để sử dụng trong mùa khô cũng tốt”.

Tuy nhiên, theo chính quyền các địa phương, đến thời điểm này, nhiều khu vực vẫn chưa khép kín hệ thống thủy lợi mang tính liên vùng, liên tỉnh nên khi nước mặn xâm nhập và tràn qua địa bàn lân cận rất khó đối phó, nhất là các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang.

Đáng lưu ý, tỉnh Bến Tre là địa phương có hệ thống sông rạch chằng chịt. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay có một số dự án cống ngăn mặn đã và đang triển khai nhưng chậm tiến độ hoặc chưa hoàn chỉnh, một số chưa được triển khai do thiếu vốn. Vào mùa khô vừa qua, chính quyền và nhân dân Bến Tre rất vất vả ứng phó với thiên tai.

Hồ nước ngọt tỉnh Hậu Giang sắp đưa vào khai thác
Hồ nước ngọt tỉnh Hậu Giang sắp đưa vào khai thác

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Các giải pháp công trình đã phát huy hiệu quả tại tỉnh Bến Tre, nếu được khép kín hơn nữa thì sẽ rất tốt trong tương lai. Phải xác định vùng nào cần đắp đập để trữ nước ngọt, đảm bảo cung cấp nước cho dân.

Đặc biệt, chúng tôi rất chú trọng 2 nhà máy nước lớn của tỉnh là Sơn Đông và An Hiệp, khi canh nước ngọt trên sông Ba Lai, chúng tôi sẽ bơm liên tục trữ vô các dòng kênh xung quanh đó. Chúng tôi đã chỉ đạo hệ thống cống lớn, nhỏ tùy theo con nước, tùy theo độ mặn mà đóng mở một cách hợp lý”.

Những năm qua, nhờ nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng kiên cố các công trình thủy lợi thuộc vùng Nam Măng Thít.

Trong đó phải kể đến cống Nàng Âm (tại ấp Ðại Nghĩa, xã Trung Thành Ðông, huyện Vũng Liêm) có 2 khoang, giúp ngăn mặn và cấp nước ngọt cho gần 3.000 ha đất canh tác Cống Vũng Liêm (tại huyện Vũng Liêm) có cửa rộng 75m, năng lực tưới, tiêu, ngăn triều, ngăn mặn hơn 11.300ha thuộc huyện Vũng Liêm và một phần huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh).

Nông dân Đỗ Minh Tuấn ( xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) đào ao trữ ngọt trồng được hoa màu có thu nhập cao mùa khô
Nông dân Đỗ Minh Tuấn ( xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) đào ao trữ ngọt trồng được hoa màu có thu nhập cao mùa khô

Cống Tân Dinh (cửa rộng 40m) có năng lực kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh). 

Nhờ hệ thống chống đập khá hoàn chỉnh nên đã giúp nông dân vùng ảnh hưởng chủ động được nguồn nước sản xuất, hạn chế thiệt hại di mặn xâm nhập.

Ông Võ Văn Sở, một nông dân ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm cho hay: “Nếu không có con kênh này thì chắc chắn sạ không được, nếu có sạ được hay chăng nữa cũng phải chờ mưa xuống mới sạ được.

Nam nay có con kênh này mình chủ động được, bơm từ sáng đến chiều nhưng vẫn bơm được. Khi làm đất thì mình chủ động máy bơm nước lên, chuẩn bị sạ thì bơm nước từ kênh này đủ xài luôn”.

Tuy mùa khô hạn nhưng nhiều nông dân tỉnh Sóc Trăng vẫn trồng được cây màu
Tuy mùa khô hạn nhưng nhiều nông dân tỉnh Sóc Trăng vẫn trồng được cây màu

Cũng như các địa phương trong vùng, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân để ứng phó hạn, mặn; cập nhật thông tin nguồn nước thường xuyên đến hộ dân và tiến hành vận hành đóng, mở cống ngăn mặn - trữ ngọt.

Tích cực đưa các công trình thủy lợi mới vào hoạt động để tham gia chống hạn mặn... Đặc biệt là làm tốt việc khuyến cáo lịch thời vụ, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm trong tưới tiêu để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn mặn xâm nhập.

Qua đó, đã có nhiều mô hình sản xuất được nông dân triển khai hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, như: mô hình trồng màu dưới chân ruộng (2 vụ lúa, 1 vụ màu), mô hình đào ao tích trữ nước kết hợp tưới tiết kiệm đối với cây màu, cây ăn trái… vừa đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, tránh được rủi ro trong sản xuất, giải quyết thu nhập ổn định cho bà con thời điểm hạn mặn diễn ra gay gắt. 

Sóc Trăng kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; thực hiện việc nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn,…để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát.

Các giải pháp phun tưới tiết kiệm đang được nông dân tỉnh Tiền Giang áp dụng
Các giải pháp phun tưới tiết kiệm đang được nông dân tỉnh Tiền Giang áp dụng

Bà Huỳnh Hữu Hiếu, Phó Trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Phú cho biết: “Đa phần một số vùng trồng cây ăn trái hoặc cây màu, bà con đã dần dần ứng dụng nhiều hệ thống ống tưới tiêu tự động, tiết kiệm.

Điển hình như xã Châu Khánh, người dân đã ứng dụng gần hết trên diện tích sản xuất cây màu, giúp bà con tiết kiệm được nhiều nước. Hiện tại, phun theo đường ống tiết kiệm đã đáp ứng nhiều cho bà con trong sản xuất”.

Tại tỉnh Hậu Giang, từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khi có mặn xâm nhập (độ mặn > 0,75‰), khi cần thiết thì áp dụng kế hoạch cúp nước luân phiên ở một số tuyến để điều phối nước cung cấp cho người dân sử dụng; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn chủ động kiểm soát, cảnh báo kịp thời.

Đặc biệt, khi cần thiết, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang liên kết các nhà máy, trạm cấp nước thành một hệ thống liên hoàn để có thể điều tiết nguồn nước từ các nhà máy, trạm cấp nước không bị ảnh hưởng để phục vụ nhân dân trong thời gian hạn và xâm nhập mặn, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để sẵn sàng cung cấp nước cho người dân. 

Vùng đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị TW đầu tư khép kín các công trình ngăn mặn trữ ngọt
Vùng đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị TW đầu tư khép kín các công trình ngăn mặn trữ ngọt

Trước đó Hậu Giang đã xây dựng bản đồ số xâm nhập mặn tỉnh Hậu Giang; chương trình khảo sát, đánh giá chế độ thủy văn, địa hình đáy, địa chất ven sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh;  xây dựng cơ sở dữ liệu và mô hình cảnh báo sạt lở giai đoạn 2018 - 2025…

Về lâu dài, để tạo nguồn nước ngọt dự trữ cho sản xuất và sinh hoạt, vào cách đây 4 năm, Hậu Giang đã triển khai xây dựng công trình Hồ chứa nước ngọt, với tổng diện tích 50ha, trong đó diện tích mặt hồ hơn 20ha, vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng, có khả năng trữ lượng nước khoảng 1 triệu m3, Hồ chứa nước ngọt sẽ cung cấp nước sạch, nước đảm bảo vệ sinh cho khoảng 260.000 người dân thuộc thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A.

Cây lúa vùng ĐBSCL rất cần nước ngọt, nên giải pháp thời vụ- thủy lợi cần được đặt ra
Cây lúa vùng ĐBSCL rất cần nước ngọt, nên giải pháp thời vụ- thủy lợi cần được đặt ra

Ông Ngô Minh Long- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hồ nước ngọt đến nay cơ bản đã hoàn thành.

Gần đây, UBND tỉnh đã có chủ trương giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quản lý, mà trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh sẽ quản lý và vận hành, khai thác sau đầu tư.

Cái bước tiếp theo là sẽ đề xuất UBND tỉnh phương án để quản lý và vận hành khai thác, chúng tôi sẽ thuê đơn vị tư vấn lập một phương án khai thác tối ưu, hiệu quả cái hồ này trong giai đoạn tiếp theo”.

Tỉnh Tiền Giang đang xây nhiều cống ngăn mặn, trữ ngọt trong thời gian tới
Tỉnh Tiền Giang đang xây nhiều cống ngăn mặn, trữ ngọt trong thời gian tới

Trong chuyến làm việc tại các tỉnh vùng ĐBSCL, ông Lê Minh Hoan, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết, đã đến lúc vùng ĐBSCL phải kết hợp thật chặt chẽ giữa trồng trọt và thủy lợi.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện các biện pháp công trình, phi công trình cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác phòng chống hạn mặn:

 “Dòng chảy sông Mê Kông đã bị biến dạng hoàn toàn, do đó vấn đề không phải là cống, là đê mà chúng ta phải chủ động thích ứng, trồng trọt cần quy hoạch lại mùa vụ.

Thiệt hại lúa ở vùng ĐBSCL  vừa rồi chúng tôi cũng phân tích được là chỗ nào xuống giống theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì ít bị thiệt hại, chỗ nào mà người dân thấy giá lúa lên cao hay ngành Nông nghiệp chưa khuyến cáo tốt thì bị thiệt hại nặng, đây là điểm chính mà tôi thấy liên quan chặt chẽ giữa thủy lợi và trồng trọt.

Thứ 2, Bộ nông nghiệp & PTNT sẽ đề nghị kích hoạt hệ thống cống liên quan đến mặn - ngọt, dù TW đầu tư hay địa phương đầu tư phải kết nối để quản lý theo lưu vực sông chứ không phải quản lý cục bộ nữa", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT và tỉnh Bến Tre bàn giải pháp măn mặn xâm nhập
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT và tỉnh Bến Tre bàn giải pháp măn mặn xâm nhập

Có thể nói, tình hình hạn hán, mặn xâm nhập ở vùng ĐBSCL trong những năm tới sẽ diễn biến phức tạp và khó lường. Ngay từ bây giờ, chính quyền và người dân trong vùng phải triển khai các biện pháp chủ động ứng phó; cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định sản xuất và đời sống người dân, nhất là đảm bảo an toàn vựa lúa lớn nhất của cả nước.

Theo Chu Trinh, Chanh Tuy, Tấn Phong, Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL