Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL

Cập nhật, 11:10, Thứ Ba, 28/05/2024 (GMT+7)

(VLO) Tại hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức mới đây, các chuyên gia đều nhận định, ĐBSCL đang phải đối mặt với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.

Linh hoạt các giải pháp công trình và phi công trình. Trong ảnh: Vận hành tốt công trình thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.
Linh hoạt các giải pháp công trình và phi công trình. Trong ảnh: Vận hành tốt công trình thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.

Hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mekong… khiến cho miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng.

Những ý kiến góp ý, hiến kế tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm để các địa phương, ngành chức năng tại hội thảo nhằm chung tay bảo vệ vùng ĐBSCL trước biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt…

Ông Đặng Văn Ngọ- Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng, cho biết: Trước đây, chúng tôi khoan khoảng 30m là có nước, nhưng nay phải sâu hơn, chưa kể nước có lẫn nhiều tạp chất.

Cũng theo ông Ngọ, khoảng thập niên 1980-1990, các giếng được UNICEF vận động khoan cho người dân để cung cấp nước sạch rất phổ biến, nhưng nay các mạch ở những giếng này bị hỏng.

Có những mạch nước nằm sâu dưới hàng trăm mét vẫn bị nhiễm mặn. Với nước mặt, cần có chính sách khai thác bền vững mạch nước. Làm sao để cho người dân có nước sạch để dùng. Về lâu dài, cần ngăn mặn cũng như tìm cách lưu trữ nước ngọt hiệu quả.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ), hiện nay, vùng ĐBSCL tạm phân chia thành 3 vùng sinh thái nước: do tác động hạn mặn vùng sinh thái nước ngọt phía trên ngập sâu trong mùa mưa lũ, phần lớn đủ nước ngọt quanh năm cho việc canh tác lúa, nuôi cá và trái cây; vùng chuyển tiếp ở giữa ngập nông trong mùa mưa lũ, có một phần nước lợ vào mùa khô, tác động ngọt- mặn theo thủy triều, canh tác lúa, nuôi tôm và trái cây; vùng ven biển cuối nguồn nhiễm mặn quanh năm, thiếu nước ngọt gay gắt mùa khô, rừng ngập mặn ven biển, canh tác thủy sản nước mặn.

Nước mùa mưa lũ về ĐBSCL giảm rõ, không còn lũ lớn cả về mùa mưa và mùa khô cộng thêm yếu tố nước biển dâng và sụt lún đồng bằng khiến xu hướng gia tăng xâm nhập mặn xâm nhập sâu hơn trong mùa khô, đặc biệt những năm có sự quay trở lại của hiện tượng El Nino.

PGS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất chiến lược lâu dài cho vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Giảm diện tích lúa chuyển sang thủy sản rau màu và cây ăn trái, tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn.

Tăng cường trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.
Tăng cường trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.

Phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên, xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm. Đồng thời, phục hồi khả năng hấp thụ nước tự nhiên ở các vùng trũng.

PGS.TS Trần Bá Hoằng- Viện trưởng Viện Khoa học và Thủy lợi miền Nam, cho biết, ĐBSCL đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được, bao gồm việc phát triển thượng lưu Mekong làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; tình trạng biến đổi khí hậu- nước biển dâng; và tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng.

Theo PGS.TS Trần Bá Hoằng, dưới các tác động lớn với mức độ ngày càng tăng, đồng bằng đang dần được định hình lại (so với lịch sử), với các đặc trưng cơ bản mới bất lợi hơn rất nhiều so với tự nhiên trước đây.

Từ đó, ông khuyến nghị việc phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế- xã hội.

Cụ thể về giải pháp, PGS.TS Trần Bá Hoằng nêu bên cạnh các giải pháp công trình, thì giải pháp phi công trình rất quan trọng.

Đó là các công trình để trữ nước, như trữ trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi hiện nay có khả năng đạt 2,5-3 tỷ m³ (ví dụ: hồ Ba Lai trữ được 80 triệu m³).

Trữ nước trong mương vườn bằng cách lên liếp, tạo mương trữ nước giữa các hàng cây; đào ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình. Trữ nước trên ruộng (đối với lúa), trước thời điểm dự báo có đợt xâm nhập mặn, bơm nước lên ruộng ở mức tối đa khả năng cho phép của cây trồng.

Trữ nước trong lu, bể, các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân phân tán, nguồn nước khó khan trong mùa khô.

“ĐBSCL không thiếu nước, trong mùa khô nước vẫn về ĐBSCL 60-70 tỷ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m3 . Vấn đề là giữ nước để sử dụng”, PGS.TS Trần Bá Hoằng nói.

Bên cạnh đó là các công trình thủy lợi nội đồng, như công trình phục vụ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”; hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất.

Hỗ trợ bồn chứa cho người dân vùng ảnh hưởng hạn mặn tăng cường trữ ngọt.
Hỗ trợ bồn chứa cho người dân vùng ảnh hưởng hạn mặn tăng cường trữ ngọt.

Các công trình để kiểm soát nguồn nước, xâm nhập mặn, như xây dựng các công trình kiểm soát cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông. Đây là các công trình lớn, bao ngoài với nhiệm vụ điều tiết mặn, ngọt, cải thiện môi trường ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre.

Đồng thời nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông còn lại như Cổ Chiên, Cung Hầu… Nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm việc xem xét nâng cao và mở rộng mặt đê cho phù hợp với gia tăng đỉnh triều.

Ngoài các giải pháp trên, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng cho rằng cần nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cho người dân vùng ĐBSCL.

Trong đó, ở vùng ngọt và vùng ngọt có ảnh hưởng mặn thì sử dụng nguồn nước từ sông chính, các kênh trong hệ thống thủy lợi (sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông cho những khu vực gần sông chính tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang).

Với các vùng mặn ngọt luân phiên và vùng lợ mặn thì sử dụng kết hợp các nguồn: Dẫn nước từ vùng ngọt về, sử dụng nước ngầm (hạn chế), xây dựng hồ trữ nước ngọt. Cùng với đó là xây dựng các hồ chứa phân tán.

Cần kế sách trăm năm cho ĐBSCL

Là người sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL, lại từng tham gia nhiều dự án, nghiên cứu về giải pháp ứng phó với tình trạng ở ĐBSCL, PGS.TS Phan Thanh Bình- nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV cho rằng, có 3 tác động làm cho ĐBSCL khó khăn là do biến đổi khí hậu, do con người tại chỗ và do tác động của thượng nguồn. Trong đó, cần nhìn nhận yếu tố con người tại chỗ rất quan trọng. Cần xem lại chúng ta đã đối xử với môi trường của ĐBSCL như thế nào, để tạo ra những biến động của môi trường. “Chính sách, đã có nhiều chính sách nhưng phải toàn diện và khoa học. Giải pháp phải bản chất, căn cơ, lâu dài, hàng chục năm và xa hơn nữa, coi là kế sách trăm năm cho ĐBSCL, hướng đến phát triển bền vững”- ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU