Dân ĐBSCL lo "chạy lở"

Cập nhật, 12:56, Thứ Năm, 24/05/2018 (GMT+7)

Chỉ mới vào đầu mùa mưa nhưng sạt lở đã diễn ra khắp nơi ở ĐBSCL. Nhiều nhà cửa, tài sản của người dân bị hà bá nuốt chửng...

Điểm sạt lở tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Từ đầu tháng 5 đến nay đã xảy ra liên tiếp ba vụ sạt lở. 

Một nơi sạt lở đến 3 lần/tháng

Vụ sạt lở đầu tiên xảy ra vào ngày 7/5 đã làm một căn nhà dân bị trôi xuống sông. Tiếp đó ngày 11/5, vị trí này tiếp tục sạt lở đã nuốt chững con đường giao thông, khiến nhiều căn nhà bị ảnh hưởng phải di dời, người dân sống trong thắc thỏm lo âu.

Và mới đây ngày 21/5, tại vị trí này lại tiếp túc sạt lở,  lần này vô cùng nghiêm trọng. Mới tờ mờ sáng, cả khu vực này trở nên náo loạn trong tiếng gào khóc của người dân khi tận mắt chứng kiến bao tài sản tích góp cả đời trong phút chóc đều bị trôi sông.

Chưa đầy một tháng tại khu vực Thới Lợi đã liên tiếp xảy ra ba vụ sạt lở.
Chưa đầy một tháng tại khu vực Thới Lợi đã liên tiếp xảy ra ba vụ sạt lở.

 

Người dân di dời khỏi khu vực sạt lở.
Người dân di dời khỏi khu vực sạt lở.

“Lúc đó nhà tôi đang chuẩn bị thức ăn để bán thì nghe tiếng rắc rắc, nghĩ chuyện chẳng lành nên tôi nhanh chóng chạy ra ngoài, không lâu sau bốn căn nhà đổ ầm xuống sông.

Hôm trước đã sạt lở nên chúng tôi đã di dời lên nhà trên này nay lại lở tiếp. Tôi lo không biết sẽ còn sạt lên tới đây nữa không. Mong sao chính quyền có biện pháp để người dân không lâm vào cảnh chạy lở"- chị Bùi Thị Nga nói. 

“Không còn gì nữa rồi. Cả đời làm lụng vất vả cất được căn nhà nhưng giờ đã trôi sông. Cháy nhà thì vẫn còn lại đất cất nhà, còn sạt lở chẳng còn gì hết”- một phụ nữ nói.

Vụ sạt lở ngày 21/5 khiến 5 nhà dân ở khu vực Thới Lợi bị sụp xuống sông.
Vụ sạt lở ngày 21/5 khiến 5 nhà dân ở khu vực Thới Lợi bị sụp xuống sông.

Theo thống kê của ngành chức năng, khu vực sạt lở có chiều dài 55 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 10 m, thiệt hại chưa thống kê được. Vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến tổng cộng 34 căn nhà, trong đó năm căn nhà sụp xuống sông hoàn toàn, 14 căn nhà sụp một phần và 15 căn nhà khác bị ảnh hưởng phải di dời.

Lo chạy lở

Tình trạng sạt lở hiện đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL. Có nơi chính quyền đã phải công bố thiên tai do sạt lở.

Nơm nớp lo sợ vì nhà có thể bị hà bá nuốt chửng bất cứ lúc nào, đó là tâm trạng chung của người dân sinh sống ở bờ kinh Hai Quý (phường Thành Phước, TX Bình Minh, Vĩnh Long) vì tình trạng sạt lở liên tục xảy ra tại đây. 

Vụ sạt lở đầu tiên xảy ra vào lúc 6 giờ 30 ngày 8/5. Đoạn sạt lở dài 40m, rộng 4-6m, bảy hộ dân phải di dời khẩn cấp. Khoảng một tuần sau, vị trí này tiếp tục sạt lở rộng thêm. Dự báo có nguy cơ tiếp tục sạt lở đoạn dài 230m, với 50 hộ dân.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố thiên tai (cấp độ 1) do sạt lở bờ kênh Hai Quý.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố thiên tai (cấp độ 1) do sạt lở bờ kênh Hai Quý.

 

Một điểm sạt lở bờ sông Hậu thuộc TX Bình Minh, Vĩnh Long.
Một điểm sạt lở bờ sông Hậu thuộc TX Bình Minh, Vĩnh Long.

Anh Vũ Lâm (ngụ TX. Bình Minh) lo lắng nói: “Sạt lở bây giờ ghê quá, nó có thể cuốn trôi nhà cửa, tài sản người dân ở đây bất cứ lúc nào. Tính mạng của người dân chúng tôi cũng đang bị đe dọa, tử thần rình rập. Hồi đó mọi người thích cất nhà gần sông nhưng bây giờ thì lo chạy lở”.

Còn tại ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) cũng vừa xảy ra vụ sạt lở làm ảnh hưởng 4 hộ dân, đoạn đường bê tông bị sụp, giao thông chia cắt.

Theo thống kê của ngành chức năng, ĐBSCL hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km. Trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148 km, đe doạ trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng; nhất là tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu.  

Để hỗ trợ các địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018. 

Theo HẢI DƯƠNG (PLO)