Không nên giấu dịch, bán "chạy" bò bệnh, chết

Cập nhật, 05:05, Thứ Năm, 28/11/2019 (GMT+7)

Thời gian gần đây, bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên bò kết hợp với một số bệnh khác (trong đó có bệnh tụ huyết trùng) xảy ra tại một số xã của huyện Trà Ôn làm bò chết, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ngành chuyên môn đang tích cực hỗ trợ người dân triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Bò của nông dân xã Tân Mỹ (Trà Ôn) bị bệnh chết trên đường vận chuyển đi nơi khác đã bị lực lượng chức năng phát hiện giữ lại.
Bò của nông dân xã Tân Mỹ (Trà Ôn) bị bệnh chết trên đường vận chuyển đi nơi khác đã bị lực lượng chức năng phát hiện giữ lại.

Bò bệnh, chết- người nuôi còn giấu dịch, bán “chạy”

Xã Tân Mỹ là một trong những nơi có xuất hiện bò bệnh chết ở huyện Trà Ôn. Đàn bò 13 con của ông Phạm Phước Đạt (ấp Mỹ Thuận, xã Tân Mỹ) sau 6 ngày phát hiện bệnh đã chết 8 con mặc dù đã tích cực cứu chữa, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng tiền vốn.

Gần đó, chuồng bò 7 con của bà Thạch Thị Ngân cũng bị bệnh chết 4 con, 3 con còn lại bà Ngân đành bán rẻ vì không thể chữa trị được.

Khi bò bệnh, chết, nhiều hộ nuôi không báo với chính quyền địa phương, ngành thú y mà tự bán tháo bò bệnh, kể cả bò chết. Ông Hồ Thanh Tuấn (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Xuân) vừa bán 5 con bò bệnh, trong đó có 1 con bị chết sau khi nhiễm bệnh mà không báo với chính quyền địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xuân, qua khảo sát, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã có bò chết do dịch bệnh.

Tuy nhiên đến nay chỉ có 3 hộ báo với chính quyền. Việc tiêu thụ bò bệnh, chết là một nguyên nhân quan trọng khiến dịch bệnh lan rộng, khó kiểm soát và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), thời gian qua, ngành chuyên môn tiếp nhận tin báo từ 2 hộ chăn nuôi ở 2 xã Tân Mỹ và Thiện Mỹ (Trà Ôn) có bò nghi bệnh LMLM. Chi cục đã lấy mẫu bệnh phẩm gởi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm, cho kết quả dương tính với bệnh LMLM (type O).

Nguyên nhân bệnh xảy ra và lây lan ở Trà Ôn bước đầu được xác định là địa bàn có nhiều ổ dịch LMLM trong nhiều năm qua.

Khi bệnh xảy ra, người chăn nuôi tự điều trị cho gia súc và không báo bệnh cho chính quyền địa phương và ngành chuyên môn biết. Một số hộ sợ bò bệnh chết sẽ bị tiêu hủy nên có tình trạng bán “chạy” đàn bò với giá rẻ.

Trong khi đó, các hộ chăn nuôi bò theo phương thức nhỏ lẻ, chuồng bò thô sơ, cạnh nhà, khoảng cách giữa các hộ chăn nuôi gần nhau, không đảm bảo an toàn sinh học. Hiện vi rút LMLM phát tán nhanh theo gió mùa nhưng nhiều hộ không tiêm phòng vắc xin LMLM, tụ huyết trùng cho gia súc kịp thời.

Ngành chuyên môn cũng xác định nguyên nhân một số trường hợp bò chết gần đây do bệnh LMLM ghép với bệnh tụ huyết trùng.

Số còn lại do chăm sóc, nuôi dưỡng bò bệnh không đúng cách, cho bò bệnh ăn nhiều thức ăn hỗn hợp, ít cỏ, bò không nhai lại được nên bị chướng hơi và chết. Cũng có trường hợp sử dụng thuốc điều trị quá liều khiến bò cái bị sảy thai.

Nỗ lực chống dịch

Hoạt động mua bán bò vẫn khá nhộn nhịp ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn).
Hoạt động mua bán bò vẫn khá nhộn nhịp ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn).

Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) hội nghị triển khai kế hoạch chống dịch bệnh LMLM gia súc trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ngành chuyên môn tổ chức tập huấn cho người chăn nuôi về phương pháp phòng bệnh LMLM, hướng dẫn cách ly, điều trị, nuôi dưỡng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại đồng thời khuyến cáo không bán “chạy” gia súc bệnh.

Song song đó là việc triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM nhằm khống chế ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Loại vắc xin được sử dụng là Aftopor (type O, O- A), Aftovax, Aftogen (type O).

Đối với địa bàn có dịch, ngành thú y tổ chức đoàn đến từng hộ chăn nuôi gia súc vận động tiêm phòng vắc xin, kết thúc nhanh trong vòng 5 ngày ở mỗi xã.

Các địa bàn còn lại cũng sẽ được tổ chức triển khai ngay công tác tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc. Tỷ lệ tiêm phòng yêu cầu phải đạt 80% tổng đàn gia súc trong diện tiêm.

Cùng với đó là công tác tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, kiểm tra, giám sát, xử lý gia súc bệnh, chết, xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo mạng lưới thú y thống kê đàn bò từng xã, phân loại bò đã được tiêm phòng, chưa tiêm phòng, bò có triệu chứng bệnh để có cách xử lý cụ thể, khống chế kịp thời, không để lây lan diện rộng.

Chi cục cũng đã cử đội ứng phó nhanh hỗ trợ công tác tiêm phòng, điều trị gia súc bệnh, kiểm soát chặt việc xuất nhập gia súc ra, vào địa bàn huyện.

Hiện công tác tiêm phòng vắc xin LMLM được triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn huyện Trà Ôn. Số liều vắc xin LMLM tiêm được từ ngày 4- 18/11 là 12.120 liều, đã phun xịt 195 lít hóa chất vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên diện tích 203.000m2 tại huyện này.

Song song đó, ngành thú y vẫn đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan đến các địa phương khác.

Bài, ảnh: THÀNH LONG