Doanh nghiệp khởi nghiệp

Vượt qua dịch bệnh bằng cách nào?

Cập nhật, 06:01, Thứ Năm, 23/09/2021 (GMT+7)

 

Cơ sở nỗ lực tìm hướng đi, duy trì sản xuất.
Cơ sở nỗ lực tìm hướng đi, duy trì sản xuất.

(VLO) Khởi nghiệp không hề đơn giản và để trụ vững lại càng khó khăn hơn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Đây được xem là thách thức rất lớn cho các đơn vị khởi nghiệp. Để vượt qua giai đoạn này, không ít cơ sở, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đã chủ động tìm cơ trong nguy, nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Bán trực tuyến thay trực tiếp

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, giãn cách xã hội kéo dài, khiến hoạt động kinh doanh của nhiều DN khởi nghiệp gặp khó khăn. Sản phẩm tiêu thụ chậm, khó đầu ra trong khi các chi phí cố định vẫn phải chi trả đều đặn khiến không ít DN đành phải tạm ngưng hoạt động “xem tình hình rồi tính tiếp”.

Ông Vũ Văn Năng- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Thực phẩm Nhật Quỳnh (xã Hòa Thạnh- Tam Bình) cho biết: Dịch COVID- 19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế và hầu hết các DN, nhất là các DN có sản phẩm OCOP, DN khởi nghiệp.

Họ đa số là các DN nhỏ yếu vốn, nhạy cảm với sức mua, dễ tổn thương khi chuỗi cung ứng hàng hóa, cung ứng vật tư bị đứt gãy. Do đó, tùy theo quy mô mà các cơ sở, DN khởi nghiệp sẽ áp dụng chiến thuật thu mình lại hoặc ngủ đông để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị trở nên năng động hơn.

Tạm ngưng hoạt động nhiều tháng nay, chị Trần Ngọc Thủy- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Nguyên liệu xanh Thủy Tùng (xã Đông Bình- TX Bình Minh) cho hay: Công ty thành lập từ năm 2018, trải qua nhiều khó khăn nhưng lần này được xem là khó khăn lớn khi phải tạm ngưng sản xuất mà lương nhân viên vẫn phải trả.

Tìm cách vượt khó, công ty không bán trực tiếp nên tăng cường bán trực tuyến, qua các kênh online, sàn giao dịch thương mại điện tử,… Nhờ đó, các mặt hàng tồn kho trước đó đã bán gần hết.

Cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu sản xuất lẫn tiêu thụ, anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc- Chủ Cơ sở sản xuất Trà đinh lăng Trường Ái (xã Phú Đức- Long Hồ) cho hay: Dù tự chủ về vốn, nhân công nhưng cơ sở vẫn gặp khó trong khâu vận chuyển nguyên liệu từ nơi trồng đến nơi sản xuất và từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Các kênh quảng bá sản phẩm cũng bị tạm ngừng, thị trường tiêu thụ cũng đã giảm 70- 80% so với trước khi dịch bệnh bùng phát.

“Để người tiêu dùng không quên sản phẩm, tôi tăng cường giới thiệu sản phẩm thường xuyên qua kênh Zalo, Facebook, sản phẩm cũng có mặt tại các sàn giao dịch điện tử, Lazada, Shopee, Sendo, Tiki,… T

ôi cũng đã liên kết với hơn 10 nhóm bán hàng của Bách hóa Xanh, kết nối với đoàn thanh niên, tổ đi chợ thay,… để thêm đầu ra cho sản phẩm.

Không chỉ vậy, để kích cầu tiêu dùng, cơ sở còn có các chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm. Nếu như trong tháng 7, tháng 8, thị trường tiêu thụ chậm, chủ yếu bán khách lẻ, thì từ đầu tháng 9 đến nay, sức tiêu thụ đã khởi sắc hơn, đã có khách sỉ trở lại”- anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc vui vẻ nói.

Song song với việc ổn định sản xuất, anh Lộc cũng không quên đồng hành cùng địa phương trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch, hỗ trợ suất ăn, vận động mạnh thường quân tài trợ 1 tấn rau củ, trên 100 thùng mì cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Vững tay chèo, tìm hướng đi

Theo nhiều cơ sở, DN khởi nghiệp, để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, muốn tồn tại, buộc các cơ sở, DN phải không ngừng nỗ lực. Khó khăn, thách thức lúc nào cũng sẽ có nhưng quan trọng là biết tận dụng, biến thách thức thành cơ hội hay không.

Qua thực tế thực hiện, hầu hết các cơ sở, DN đều cho rằng mở rộng kênh mua sắm trực tuyến, quảng bá sản phẩm và bán hàng thông qua các công cụ online là hướng đi đúng và chỉ có chủ động, mạnh dạn thay đổi, không theo lối mòn mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường. Có như vậy mới trụ và giữ vững vị thế, dần dần phục hồi.

Theo anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc, để vượt qua thách thức hiện nay, đòi hỏi người đứng đầu phải vững tay chèo, bình tĩnh, đồng thời phải “tự thân vận động”, chứ không thể trông chờ vào hỗ trợ.

Anh chia sẻ: “Bản thân người khởi nghiệp phải tự tìm hướng đi mới, tìm cách bắt nhịp thị trường, sẵn sàng tâm thế chủ động trước những động thái thay đổi của thị trường.

Hơn hết là phải tự tin, quyết tâm với con đường mình đã chọn, không thể nửa vời, khó là nghỉ. Phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là phải biết cập nhật theo xu hướng người tiêu dùng, từng bước chiếm lĩnh thị trường”.

Theo nhiều DN, trong giai đoạn này thu hẹp sản xuất là điều buộc phải làm, song thời gian tới, khi cuộc sống trở lại bình thường mới, các cơ sở, DN vẫn chuẩn bị tâm thế vừa sản xuất vừa phòng chống dịch, chứ không thể chủ quan.

Chị Ngọc Thủy cho hay: “Dịch bệnh dù được kiểm soát nhưng DN vẫn sản xuất, hoạt động theo hướng “sống chung với dịch”. Do đó, bên cạnh việc cho người lao động tiêm vắc xin, công ty sẽ tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh”.

Theo anh Vũ Văn Năng, dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa chống dịch giống như đang đắp đê lên một con sông (dòng chảy lưu thông của hàng hóa).

Khi con sông bị ngăn lại, sẽ có nhiều dòng chảy nhỏ mới hình thành. Đó cũng là cơ hội cho các DN khởi nghiệp nắm bắt thời cơ. Nếu dòng chảy nhỏ đó đủ mạnh, thì dù con sông có được tháo đập, nó vẫn tồn tại.

Bên cạnh đó, để vượt khó, nhiều cơ sở, DN khởi nghiệp cũng mong muốn rằng ngành chức năng tạo điều kiện để cơ sở có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn hoặc quỹ chính sách hỗ trợ về vốn, máy móc, thiết bị sản xuất; tăng cường hỗ trợ, quảng bá thương hiệu sản phẩm qua kênh xúc tiến thương mại, sàn giao dịch, để các cơ sở, DN được tiếp thêm sức vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất và mở rộng thị trường.

Ông Vũ Văn Năng: Trong giai đoạn cuộc sống bình thường mới, việc bán hàng online có ưu thế vượt trội so với các kênh còn lại. Bởi tâm lý người tiêu dùng cũng không muốn ra đường nhiều, tránh rủi ro lây nhiễm ở cộng đồng. Các DN cần cố gắng xây dựng cho được kênh bán hàng này thông qua website của công ty và các sàn thương mại điện tử khác. Về lâu dài, DN nào không thiết lập được kênh này sẽ bị tụt lại so với các nhà cạnh tranh khác!

Bài, ảnh: TRÀ MY