Diễn đàn khởi nghiệp

Startup công nghệ thời COVID-19

Cập nhật, 06:00, Thứ Năm, 23/09/2021 (GMT+7)

(VLO) Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN khởi nghiệp (startup).

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để nhiều DN, startup thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, từ đó tìm ra lối đi riêng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường.

Trong năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường, rất nhiều trong số đó là startup.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhận định: “Đại dịch đã làm bộc lộ những hạn chế của nhiều DN khởi nghiệp, kể cả những DN đã lớn mạnh trên thế giới. DN khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn.

Tuy vậy, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc. Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Tháng 7 vừa qua, bên lề cuộc thi Viet Solutions 2021, Tập đoàn Viettel phối hợp Bộ Thông tin- Truyền thông tổ chức 2 buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Khởi nghiệp thời khủng hoảng COVID-19” và “Hướng đi cho Startup: Tăng trưởng nóng hay bền vững” nhằm hỗ trợ các DN khởi nghiệp tìm ra lối đi cho riêng mình.

Lấy câu chuyện từ chính Viettel, ông Lê Bá Tân- Phó Tổng Giám đốc Viettel Networks- cho biết chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ trước khi đại dịch nổ ra bởi Viettel nhận thấy doanh thu viễn thông có xu hướng sụt giảm.

Số hóa không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa để đảm bảo tăng trưởng. Mặt khác, Viettel vẫn tìm ra hướng phát triển với những sản phẩm mới đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng trong đại dịch.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự thay đổi hành vi khách hàng trong giai đoạn đại dịch đã dẫn tới nhiều rủi ro nhưng cũng chính là cơ hội tốt, nếu DN thích ứng nhanh.

Không ít startup lại tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ đằng sau nó phù hợp với những thay đổi mà đại dịch gây ra với thói quen người dùng.

Do vậy, DN cần phải xác định được giá trị cốt lõi của mình cũng như lựa chọn được những công nghệ phù hợp với xu thế trong tương lai.

DN gặp khó khăn hay có những điểm yếu thì cần hợp tác với các DN lớn, hay gọi vốn từ các quỹ đầu tư để hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường nhanh nhất.

NGUYỄN THỊNH