Blog thị trường

Giữ mối lâu dài

Cập nhật, 13:57, Thứ Sáu, 23/07/2021 (GMT+7)

(VLO) Việc hàng hóa tăng giá gấp đôi ba lần trong một số trường hợp cụ thể lúc thị trường biến động khách hàng có thể chấp nhận; nhưng lợi dụng tình hình dịch bệnh để “làm giá” cao thì khó mà cho qua được.

Câu chuyện tăng giá bán của một thương hiệu bán lẻ những ngày qua gây ra nhiều bất bình và tranh luận không ngớt. Khi công ty thông báo bất ngờ tăng giá bán đối với một số mặt hàng do phải bù đắp cho chi phí vận chuyển, xét nghiệm, nhân công... tăng cao.

Trước sức ép của dư luận, công ty này thông tin khẳng định “không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh”, “không phải vì mục đích lợi nhuận”.

Tăng giá bán là việc làm “cực chẳng đã” do những tác động khách quan như hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng hàng hóa tươi sống do kéo dài thời gian lưu thông...

Trong câu chuyện này, nhiều người tiêu dùng sẽ thông cảm với doanh nghiệp do họ đang phải gánh chịu rất nhiều áp lực dẫn tới tăng chi phí. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều không đồng ý với lý giải đó và cho rằng cần có cái “tình” trong kinh doanh.

Trách nhiệm với cộng đồng chính là điều mà nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang làm để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, dù họ cũng đang phải gánh chịu nhiều chi phí nhưng vẫn không tăng giá để bán hàng bình ổn tới tay người dân.

Tại một số hệ thống siêu thị, cửa hàng, những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo… vẫn giữ nguyên giá như từ thời điểm trước giãn cách.

Khi dịch bệnh bùng phát và còn diễn biến khó lường thì đây chính là lúc các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng… cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình để chia sẻ với cộng đồng trong những thời điểm khó khăn. Đó cũng là cách mà doanh nghiệp ghi điểm, tạo lòng tin và giữ “mối” lâu dài với khách hàng của mình.

LÝ AN