Nâng chất lượng, rộng đầu ra nông sản

Cập nhật, 08:59, Thứ Ba, 24/11/2020 (GMT+7)

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ nông sản Vĩnh Long. Để có được kết quả này, nhiều đơn vị DN, hợp tác xã đã chú trọng nâng tầm nông sản, đáp ứng các tiêu chí đánh giá, phân hạng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nông sản chất lượng cao, đặc trưng nổi tiếng của tỉnh. Có thể thấy, một khi chất lượng được đảm bảo thì đầu ra của nông sản được thuận lợi hơn.

Thương hiệu Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đã được người tiêu dùng trong nước và ngoài nước biết đến.
Thương hiệu Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đã được người tiêu dùng trong nước và ngoài nước biết đến.

Trong năm 2020, Vĩnh Long có 19 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP và 8 đơn vị đạt danh hiệu nông sản chất lượng cao- sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của tỉnh. Theo PGS. TS. Nguyễn Phú Son (Trường ĐH Cần Thơ), cách đây hơn 1 năm, 19 sản phẩm được ông tư vấn hoàn thiện tiêu chí thì nay đã có được thành quả đáng khích lệ. Đây có thể nói là bước khởi đầu rất tốt giúp nông sản đặc trưng của tỉnh nâng cao vị thế, mở rộng giao thương.

Vừa ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty CP Khoai lang Nhật Thành (Bình Tân- Vĩnh Long), bà Phan Ngọc Chuyển- đại diện Công ty TNHH Quí Sang (Châu Thành- Tiền Giang)- thông tin: DN chuyên thu mua, sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu với tâm huyết đem sản phẩm sạch đến người tiêu dùng thì việc tìm được nguồn hàng đạt tiêu chuẩn, chất lượng là rất quan trọng.

Bên cạnh khoai lang, DN cũng hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng mối liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều đơn vị, hợp tác xã ở Vĩnh Long trong thời gian tới với nhiều mặt hàng rau củ quả khác, trong đó chôm chôm, khoai mỡ cũng rất có tiềm năng.

Cũng theo bà Phan Ngọc Chuyển, với việc ký kết tiêu thụ khoai lang với Công ty CP Khoai lang Nhật Thành, thời gian hợp đồng từ đầu năm 2021, hàng tháng DN có năng lực tiêu thụ khoảng 50 tấn. Hiện DN cũng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ rau gia vị ngò gai với DN Nhật Thành. Bà Phan Ngọc Chuyển cũng đặt hàng tiêu thụ mặt hàng rau gia vị như rau om, rau răm, quế với sản lượng hàng tháng trên 150 tấn.

Cũng ký kết tiêu thụ mặt hàng khoai lang, Công ty TNHH MTV Bánh Nhật Ngọc hợp đồng với vựa khoai lang Bình Tân. Ông Nguyễn Thanh Việt- Giám đốc công ty- cho biết: DN được thành lập hơn 1 năm nay với mong muốn đưa nông sản Vĩnh Long đi xa hơn, luôn đồng hành, kết nối góp phần khơi thông đầu ra nông sản tỉnh nhà. Thời gian qua, DN được kết nối với vựa khoai lang Bình Tân cung cấp nguồn nguyên liệu. Đây là mối quan hệ bền chặt và đôi bên cùng có lợi.

Theo ông Nguyễn Minh Hậu- Giám đốc Công ty TNHH Sáu Ri (Bình Hòa Phước- Long Hồ), là DN chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản và hiện đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu sạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. DN đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hợp tác xã Sầu riêng Chánh An (Mang Thít) để cung ứng mặt hàng sầu riêng.

Còn theo đại diện Trung tâm Điều hành bán lẻ Satra Cần Thơ, đơn vị đang phát triển bán lẻ thị trường nội địa, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và đang tập trung những sản phẩm nông sản, trái cây. Satra Cần Thơ mong muốn được hợp tác phát triển sản phẩm vùng miền tiêu biểu, đặc trưng tại các tỉnh ở ĐBSCL phát triển thị trường bán lẻ trong nước và xuất khẩu. Satra Cần Thơ cũng ký kết với Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa để cung cấp nguồn hàng chất lượng vào hệ thống phân phối.

Đồng hành cùng sản phẩm OCOP Vĩnh Long, mới đây, Bưu điện tỉnh Vĩnh Long cũng ký kết với đại diện chương trình OCOP Vĩnh Long trong việc hỗ trợ truyền thông, quảng bá sản phẩm. Bưu điện Việt Nam có sàn thương mại điện tử Postmart, tập trung quảng bá, giới thiệu cho sản phẩm OCOP đầu tiên tại Việt Nam, góp phần đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhà cung cấp sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử này thì Bưu điện Việt Nam không thu phí.

Thông qua chương trình OCOP Vĩnh Long, doanh nghiệp tiếp cận với vùng nguyên liệu khoai lang Bình Tân để tiến tới ký kết hợp tác cung cầu.
Thông qua chương trình OCOP Vĩnh Long, doanh nghiệp tiếp cận với vùng nguyên liệu khoai lang Bình Tân để tiến tới ký kết hợp tác cung cầu.

Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT), đại diện chương trình OCOP Vĩnh Long- cho biết, thông qua ký kết với Bưu điện tỉnh, hy vọng sản phẩm OCOP tỉnh nhà sớm được trưng bày, phân phối và tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu là một trong những giải pháp thúc đẩy sản xuất phát triển. Bởi sản phẩm xây dựng được thương hiệu và duy trì chất lượng ổn định sẽ là tiền đề để ký kết giao thương, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp Vĩnh Long có sự chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất vùng nguyên liệu tập trung với nhiều sản phẩm đặc trưng chất lượng cao và nổi tiếng trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Liêm hy vọng các đơn vị có sản phẩm nông sản được chứng nhận OCOP cũng như nông sản chất lượng cao- sản phẩm đặc trưng nổi tiếng tỉnh Vĩnh Long 2020 sẽ tiếp tục phát huy, hoàn thiện các tiêu chí để phát triển đa dạng và chất lượng hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN trong việc liên kết tiêu thụ trong thời gian tới. Ngành nông nghiệp tỉnh cam kết đồng hành hỗ trợ các DN, hợp tác xã thông qua lắng nghe tâm tư nguyện vọng để tham mưu, đề xuất những chính sách cụ thể.

Vừa qua, đại diện chương trình OCOP của 4 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang và TP Cần Thơ cũng đã ký kết với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ (Trường ĐH Cần Thơ) nhằm phát triển chương trình này đi vào chiều sâu trong thời gian tới. Nội dung ký kết gồm trao đổi, phân tích cách tổ chức, hỗ trợ tham gia chương trình OCOP; xây dựng tiêu chí đánh giá phù hợp cho từng nhóm, ngành sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức sự kiện quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP cấp tỉnh, vùng, quốc gia, quốc tế; xây dựng hệ thống trung tâm phát triển sản phẩm OCOP gắn với khởi nghiệp và thiết kế mẫu mã sản phẩm…

Bài, ảnh: THÀNH LONG - HOÀNG MINH