Hợp tác xã nông nghiệp: Hết "mặn" đến "dịch", khó chồng thêm khó

Cập nhật, 15:46, Thứ Năm, 02/07/2020 (GMT+7)

 

Xâm nhập mặn, dịch COVID-19 kéo dài trong thời gian qua kèm theo những cái khó vốn có đã và đang ảnh hưởng nhiều đến các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Không ít HTX đã phải tạm ngưng hoạt động, do sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, thiếu nguồn vốn để tái đầu tư phát triển sản xuất.

Hết “mặn” đến “dịch”

Theo Liên minh HTX tỉnh, phần lớn các HTX sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả, rau củ quả bị ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19 và tình trạng xâm nhập mặn nên số lượng, giá sản phẩm giảm mạnh, thị trường tiêu thụ giảm nên sản phẩm tiêu thụ chậm, doanh thu, thu nhập của HTX và thành viên giảm nhiều so với trước.

Cụ thể, toàn tỉnh có 9 HTX chuyên trồng lúa và cây ăn quả (sầu riêng, chôm chôm, bưởi) ở Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Có khoảng 115,7ha lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại thấp nhất 30%, cao nhất 70%, có 3,6ha thiệt hại hoàn toàn, ước thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng.

Bị mặn bất ngờ, nên nhiều nhà vườn trồng chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) “sốc” khi chịu mặn.

Anh Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ)- cho hay: Đợt xâm nhập mặn đầu năm đã khiến 42ha sản xuất của HTX bị ảnh hưởng đến 80%, có vườn còn mất trắng. Nếu như năm trước, vụ nghịch này HTX thu hoạch được 1.000- 1.100 tấn thì năm nay “rụi”. Một số hộ cố gắng dưỡng cây nhưng không phục hồi được nên phải đốn bỏ dù tiếc đứt ruột.

“Mặn bất ngờ lại kéo dài chưa từng có nên người dân không kịp trở tay, có vườn thiệt hại 100%. Dù cố gắng phục hồi lắm nhưng cũng không ăn thua. Vụ sau coi như không có ăn rồi. Như vườn của tôi, giờ chỉ còn trơ cành, khô lá, cầm đuốc quơ qua thôi cũng cháy”- anh Nhân rầu rĩ.

Trong khi đó, chú Nguyễn Văn Trưng- Giám đốc HTX Sầu riêng Chánh An (xã Chánh An- Mang Thít)- cho hay: “Mặn lên, trái vừa rụng, chất lượng vừa giảm, lại thêm xuất khẩu không được, dẫn đến sầu riêng tuột giá thảm, đời sống thành viên HTX ngày càng khó khăn, nhất là các hộ vay vốn để sản xuất”.

Không chỉ do hạn mặn, dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập của HTX và xã viên, người lao động.

Ngoài số HTX sản xuất lúa, gạo và chăn nuôi heo không bị tác động ảnh hưởng (do vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 thu hoạch vào tháng 1, tháng 2, vụ lúa Hè Thu thu hoạch vào tháng 6, giá lúa, giá heo tăng cao hơn), thì 55 HTX nông nghiệp còn lại sản xuất cây ăn trái, rau củ quả, thủy sản đều bị tác động ảnh hưởng do doanh nghiệp đối tác giảm số lượng tiêu thụ, giá sản phẩm giảm (giá sản phẩm giảm thấp nhất 20%, cao nhất 50% với giá cùng kỳ năm trước) và cung vượt cầu. Doanh thu các HTX thành viên HTX nông nghiệp ước giảm khoảng 40,4 tỷ đồng.

Chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, anh Nguyễn Ngọc Nhân cho biết thêm: “Một số ít vườn dưỡng được ra trái thì lại vướng ngay đợt dịch COVID-19, xuất khẩu không được, chôm chôm đành phải tiêu thụ trong nội địa nhưng giá rất “bèo” chỉ 6.000- 8.000 đ/kg, trong khi đó, năm rồi vụ nghịch có giá 25.000- 30.000 đ/kg. Giá này là cầm chắc lỗ, vì mùa nghịch chi phí cao.

Hiện cũng có nhiều công ty đối tác hỏi mua chôm chôm nhưng giờ không có trái để bán. HTX vừa mới xây dựng xong kho sơ chế nhưng giờ cũng chỉ đóng cửa bỏ trống”.

Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước gặp khó do mặn và dịch bệnh.
Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước gặp khó do mặn và dịch bệnh.

Không chỉ gặp những khó khăn “bất ngờ” về mặn, dịch bệnh, mà thời gian qua, HTX nông nghiệp cũng còn vướng rất nhiều khó khăn tồn tại rất lâu.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Nguyễn Thanh Long, do còn nhiều HTX chỉ thực hiện một số khâu dịch vụ phục vụ sản xuất cho thành viên nên doanh thu HTX còn ít; trình độ quản lý của lãnh đạo một số HTX còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, vốn hoạt động theo báo cáo của HTX nông nghiệp tương đối khá, nhưng thực tế góp vốn của thành viên chưa đủ theo đăng ký. Còn nhiều HTX chưa đăng ký thương hiệu và chất lượng sản phẩm nên khâu tiêu thụ chưa ổn định, sản phẩm tiêu thụ còn thông qua đầu mối, quy mô sản xuất còn nhỏ nên ảnh hưởng đến thu nhập của HTX và thu nhập thành viên.

Cần biện pháp gỡ khó kịp thời

Do thiệt hại lớn và kéo dài, trong khi nguồn vốn đầu tư hạn chế, nên hiện không ít HTX nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Để cứu vườn chôm chôm, “cứu” thương hiệu chôm chôm Bình Hòa Phước, các thành viên HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước cũng đã nỗ lực tự cứu lấy mình. Anh Nguyễn Ngọc Nhân cho hay: “Tôi cùng ban quản trị cũng đã có kết hợp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khôi phục vườn chôm chôm sau hạn mặn. Tuy nhiên, nguồn vốn của HTX rất hạn chế nên không thể hỗ trợ xã viên một số chi phí để khôi phục”.

Đại diện một số HTX nông nghiệp khác cũng cho hay đang phải “gồng mình” để vượt khó, tuy nhiên cũng có một số vấn đề “lực bất tòng tâm”, nhất là về vốn, kỹ thuật sản xuất. Do đó, nhiều HTX mong muốn được sự hỗ trợ kịp thời từ địa phương ngành chức năng.

Anh Nguyễn Ngọc Nhân bày tỏ: “Hết mặn lại đến dịch, nhiều xã viên, bà con nông dân chưa kịp trả nợ năm trước lại nợ tiếp năm nay. Do đó, HTX mong muốn các tổ chức tín dụng cho các HTX đã vay vốn được kéo dài thời hạn cho vay, giãn kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất tiền vay, giãn thanh toán lãi, giảm các loại phí liên quan đến khoản vay. Đồng thời, HTX mong muốn được tiếp cận các khoản vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư máy móc, trang thiết bị”.

Bên cạnh đó, “cần tư vấn, hướng dẫn HTX tổ chức lại sản xuất sau hạn mặn, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để sản xuất sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ các HTX mở rộng thị trường, tìm kiếm thị trường mới nhất là thị trường nội địa, giúp các HTX thay đổi phương thức marketing và phương thức bán hàng mới như: bán hàng online, cung cấp gói thực phẩm tận nhà cho người tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở các nước”- anh Nhân nói thêm.

Để phần nào khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX, liên minh HTX cũng đã chủ động nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc, thiệt hại sản xuất, kinh doanh của HTX, liên hiệp HTX để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, theo nhiều HTX, đến thời điểm này rất ít HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, cụ thể ở đây là chính sách tín dụng, giãn, giảm thuế, phí hay các chính sách hỗ trợ của địa phương. Do đó, để tránh tình trạng “thành lập” rồi “giải thể”, bên cạnh sự tự nỗ lực, chủ động vượt khó của HTX thì rất cần sự vào cuộc, đồng hành của ngành chức năng để gỡ khó cho các HTX.

Toàn tỉnh hiện có 89 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp, trong đó 79 HTX và 1 liên hiệp HTX đang hoạt động, 2 HTX chưa hoạt động, 8 HTX ngừng hoạt động. Có 1.516 thành viên, 2.863 lao động, tổng vốn hoạt động là 30,290 tỷ đồng (vốn điều lệ là 29,35 tỷ đồng), có tổng diện tích sản xuất trên 2.150ha.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN