Góc nhìn

Câu chuyện nhiệt điện than

Cập nhật, 13:48, Thứ Ba, 03/12/2019 (GMT+7)

Việc tỉnh Long An tỏ thái độ quyết liệt “thà xóa quy hoạch chứ nhất quyết không làm điện than” đã và đang nhận được sự đồng thuận cao của dư luận.

Theo quy hoạch, Trung tâm Điện lực Long An sẽ sử dụng nguyên liệu than, tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD gồm 2 nhà máy: Long An I với quy mô 2x600MW, vận hành năm 2024- 2025; Long An II với quy mô 2x800MW, vận hành năm 2027- 2028; dự kiến xây dựng tại ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước bên bờ sông Vàm Cỏ.

Tổng diện tích sử dụng trên bờ và mặt nước được quy hoạch trên 360ha. Nhu cầu than 7,6 triệu tấn/năm (2 nhà máy). Lượng tro xỉ của 2 nhà máy là 450.000 tấn/năm. Tổng lượng nước làm mát cho 2 nhà máy là 130 m3/giây.

Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh Long An đã nhiều lần kiến nghị không làm nhiệt điện than, chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng. Và Bộ Công thương cũng trả lời không có đủ cơ sở để phê duyệt quy hoạch trung tâm điện lực sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng như kiến nghị của tỉnh Long An.

Trước phản hồi này, người phát ngôn của UBND tỉnh Long An đã đưa ra thông điệp khá “rắn” của Thường trực Tỉnh ủy Long An: nếu không thể phát triển nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng thì xóa quy hoạch chứ không sử dụng nhiên liệu than, nhằm hạn chế những bất cập về môi trường.

Thực tế cho thấy, hiện tại nguồn đầu tư cho nhiệt điện than có thể rẻ hơn, phù hợp với nhu cầu hiện tại. Nhưng nước ta đã phải nhập khẩu than và lượng nhập khẩu ngày càng nhiều, giá ngày càng đắt. Đó là chưa nói đến tác động xấu đến môi trường, và quan trọng hơn là đi ngược trào lưu thế giới.

Hơn nữa, phát triển xanh vẫn là hướng đi thông minh cho Việt Nam- một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Một đại biểu cho rằng, trong thời đại 4.0, nhất là khi con người đặc biệt lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường, Bộ Công thương nên xem xét kiến nghị điều chỉnh quy hoạch để theo kịp thời đại.

LÝ AN