Thúc đẩy khởi nghiệp qua góc nhìn của chuyên gia, nhà quản lý

Cập nhật, 05:02, Thứ Năm, 28/11/2019 (GMT+7)

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó có khởi nghiệp thì “các địa phương ĐBSCL đều có sự thay đổi rất nhanh, nếu không nói là vượt bậc”.

Nhằm góp thêm những góc nhìn về thúc đẩy, phát triển khởi nghiệp, phóng viên Báo Vĩnh Long ghi nhận ý kiến chia sẻ của chuyên gia, nhà quản lý của một số tỉnh vùng ĐBSCL về vấn đề này.

Anh Nguyễn Văn Thảo (Trà Ôn) khởi nghiệp với mô hình “nông trại xanh” đang tiếp tục gặt hái thành công.
Anh Nguyễn Văn Thảo (Trà Ôn) khởi nghiệp với mô hình “nông trại xanh” đang tiếp tục gặt hái thành công.

Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã ban hành triển khai đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 gắn với chương trình khởi nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016- 2020, trong đó xác định 5 nhóm chủ đề cần tập trung thực hiện, đáng chú ý là các nhóm có liên quan trực tiếp đến công tác khởi nghiệp như: xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, đầu tư hạ tầng nhằm hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, đồng thời thực hiện mở rộng liên kết và hợp tác về hoạt động khởi nghiệp.

Gắn với công tác đào tạo, Sở Kế hoạch- Đầu tư Vĩnh Long đã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ tạo động lực đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh như: chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp. Đặc biệt đã tham mưu thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh với mức vốn điều lệ là 10 tỷ đồng. Hiện đang hoàn chỉnh quy chế, điều lệ hoạt động để quỹ sớm đi vào hoạt động.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Vĩnh Long

Nhằm nâng cao chất lượng các ý tưởng cũng như dự án khởi nghiệp, Sở Kế hoạch- Đầu tư Vĩnh Long đã tích cực phối hợp với các viện, trường, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI Cần Thơ và các đơn vị có liên quan tổ chức lớp tập huấn khởi nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, thanh niên… có sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, chương trình khởi nghiệp của tỉnh luôn được sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền. Nhiều hoạt động theo kế hoạch đã được tổ chức thực hiện và hoàn thành.

Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp của tỉnh còn gặp một số khó khăn cần tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc VCCI Cần Thơ

Qua 3 năm, chúng tôi quan sát được các địa phương ở ĐBSCL đều có sự thay đổi rất nhanh nếu không nói là vượt bậc. Trước tiên thể hiện ở số lượng ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Riêng VCCI Cần Thơ, sau 3 năm tổ chức cuộc thi về khởi nghiệp cấp vùng thì năm 2017 có 102 hồ sơ tham gia, năm 2018 là 201 hồ sơ và năm nay gần 270 hồ sơ.

Ở cuộc thi năm nay, chúng tôi ngạc nhiên vì đã có những ý tưởng, những sản phẩm ngoài mong đợi, có những mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp- cung ứng các dịch vụ nông nghiệp, phát triển công nghệ trong nông nghiệp rất hay.

Về quản lý để thúc đẩy khởi nghiệp, mỗi địa phương đều có cách xây dựng chương trình khởi nghiệp hay, có những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp rất cụ thể: khi khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ những gì, mỗi cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ ra sao…

Như vậy, người khởi nghiệp sẽ yên tâm rằng người đứng đầu của địa phương rất quan tâm, sẽ được hỗ trợ kịp thời khi cần… Ví dụ như Đồng Tháp, Bến Tre đã tạo được tinh thần khởi nghiệp, vận động cả xã hội theo 1 chiều hướng, nhất là giới trẻ muốn ra thành lập doanh nghiệp…

Khởi nghiệp từ lúa sạch, lúa hữu cơ, Hợp tác xã Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) đã góp phần cùng nông dân làm giàu.
Khởi nghiệp từ lúa sạch, lúa hữu cơ, Hợp tác xã Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) đã góp phần cùng nông dân làm giàu.

Ông Trương Hòa Châu- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Đồng Tháp

Được sự quan tâm của lãnh đạo nên công tác khởi nghiệp của Đồng Tháp bắt đầu từ rất sớm. Tỉnh đã hình thành những CLB hỗ trợ khởi nghiệp, phối hợp với các tổ chức về hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…

Theo đó, thường xuyên mở các lớp đào tạo cho người có dự định khởi nghiệp. Khi các em có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, chúng tôi gửi các hồ sơ ý tưởng, dự án của các em cho các CLB này thẩm định, tư vấn… 

Chúng tôi luôn tìm cách khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp từ sinh viên, từ hội phụ nữ, từ đoàn thanh niên… Vừa khơi dậy và nuôi dưỡng- ươm mầm sao cho ý tưởng dự án tự sống và vươn lên.

Ông Lê Xuân Vinh- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp Bến Tre (thuộc Sở Kế hoạch- Đầu tư)

Tỉnh ủy Bến Tre có chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp” phát động từ năm 2016 đến nay. Sau 3 năm thực hiện, tỉnh đã hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp có CLB doanh nghiệp, CLB khởi nghiệp tiên phong… là nơi tập hợp các bạn trẻ khởi nghiệp.

Từng huyện và các trường học đều có các nhóm, CLB khởi nghiệp để làm nòng cốt triển khai chương trình này. Và có quỹ Đầu tư khởi nghiệp thành lập năm 2016 với 100% vốn xã hội hóa.

Hàng tháng, Bến Tre có tổ chức chương trình bàn tròn khởi nghiệp và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đều đến để gặp gỡ người khởi nghiệp, chỉ đạo các đơn vị, các ngành hỗ trợ. Đến nay được khoảng hơn 30 kỳ bàn tròn, cơ bản được đánh giá cao.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền bằng tài liệu, từ năm 2016 đến nay, ở hầu hết các trường cấp 3 đều dạy môn khởi nghiệp kinh doanh trong trường học- xem như là môn kết hợp với định hướng hướng nghiệp.

Đồng thời, các trường đều có mô hình giáo dục khởi nghiệp thực tế, mô hình giáo dục khởi nghiệp trải nghiệm để các em biết cách làm ra sản phẩm, tập tành kinh doanh…

Để giải quyết câu chuyện bán sản phẩm khởi nghiệp, ngoài hỗ trợ người khởi nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại thì tại tỉnh có tổ chức các phiên chợ khởi nghiệp mỗi quý/lần, do 1 doanh nghiệp khởi nghiệp tự đứng ra tổ chức thu chi và vận hành, tỉnh chỉ hỗ trợ các kênh phân phối về kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Về đào tạo, bên cạnh đào tạo năng lực cho cán bộ cũng như cho doanh nghiệp thì hiện tỉnh đang triển khai một số chương trình đào tạo khởi nghiệp về du lịch, lĩnh vực công nghệ thông tin… Mỗi chương trình như vậy xét tuyển khoảng 10 doanh nghiệp đầu vào để triển khai thực hiện.

Về kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện, chỉ số PCI tăng; số lượng doanh nghiệp phát triển tăng gấp đôi. Từ khởi nghiệp nông nghiệp, khởi nghiệp mưu sinh thì tới thời điểm này đã có một số nhân tố khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN