Diễn đàn khởi nghiệp

Việt Nam có số lượng startup nhiều thứ 3 Đông Nam Á

Cập nhật, 16:17, Thứ Năm, 14/11/2019 (GMT+7)

Báo cáo khởi nghiệp sáng tạo năm 2019 từ Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade) cho hay, Việt Nam đang là quốc gia có số lượng startup nhiều thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, giai đoạn từ 2012- 2017, Việt Nam tăng trưởng “phi mã” về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017.

Giáo dục, thanh toán điện tử và Blockchain hiện là 3 lĩnh vực đầu tư triển vọng tại Việt Nam được Austrade chỉ ra. Trong đó, giáo dục đang trở thành “điểm nóng” của hoạt động đầu tư khởi nghiệp, khi gần đây lần lượt các startup trong lĩnh vực giáo dục như: ELSA, MindX, Everest Education… đều gọi vốn thành công từ quỹ ngoại.

Trong đó, VietFuture- một startup hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đến nay đã được 5 năm tuổi- thay vì tập trung đào tạo các kiến thức phổ thông như: Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh… lại chọn hướng đào tạo thái độ và kỹ năng sống. Tại nhiều quốc gia phát triển, tên gọi khác của lĩnh vực đào tạo này là “After School” (tạm dịch: ngoài giờ học).

Thời gian đầu, “After School” chỉ được coi là môn học phụ đạo, chiếm khoảng 1% trong bức tranh tổng thể nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động thực tế tại các doanh nghiệp cho thấy, những kỹ năng được đào tạo lại rất cần thiết và quan trọng với các ứng viên, thay vì chỉ có kiến thức lý thuyết và bằng cấp như hiện nay.

“Nếu so sánh 2 nhân viên có trình độ và bằng cấp ngang nhau, chắc chắn người được chọn sẽ có thái độ, hành vi và kỹ năng sống tốt hơn”- CEO Chu Huy Hoàng nói về ý tưởng ra đời của hệ thống giáo dục VietFuture.

Từ đây, hệ thống giáo dục VietFuture chính thức được thành lập. Hiện tại, sau khoảng 5 năm khởi nghiệp, VietFuture đã vận hành được 4 chi nhánh trên toàn quốc, hoàn thành tổ chức hơn 700 khóa học, với hơn 25.000 học viên tốt nghiệp.

Tuy nhận được nhiều lời đề nghị rót vốn triệu USD từ các cá nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước; nhưng VietFuture vẫn đang thận trọng và cân nhắc các nhà đầu tư có am hiểu về ngành nghề, có tâm với lĩnh vực giáo dục, cũng như hỗ trợ được doanh nghiệp trong việc hoàn thiện yếu tố công nghệ còn thiếu.

AN HƯƠNG