Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam

Cập nhật, 20:57, Thứ Bảy, 16/03/2019 (GMT+7)

Ngày 15/3/2019, tại Long An, Bộ Nông nghiệp- PTNT tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam”.

Nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu cao.
Nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu cao.

Những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, các thị trường xuất khẩu được mở rộng, năm 2018 có 13 thị trường xuất khẩu có giá trị trên 25 triệu USD.

Các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gồm: thanh long, chuối, chôm chôm, xoài, dứa, cam, bưởi, nhãn, sầu riêng.

Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung, khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Trái cây đưa vào chế biến hiện còn ít cả về chủng loại và số lượng; đa số các nhà máy chế biến có quy mô vừa và nhỏ, sản phẩm chế biến đơn giản dưới dạng thô; khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ,...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trình bày về tình hình chế biến rau quả, các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả và tăng khả năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý thời gian tới cần tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu cao, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại đối với các loại cây ăn trái tại các thị trường lớn,...

Tin, ảnh: THẢO LY