Phát triển bền vững cây ăn trái: Làm thế nào để tương xứng với tiềm năng?

Cập nhật, 06:44, Thứ Ba, 19/03/2019 (GMT+7)

 

Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây ăn trái.
Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây ăn trái.

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Long đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm dần diện tích lúa kém hiệu quả, phát triển mạnh các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Thực tế, cây ăn trái chiếm vị trí quan trọng cả về diện tích và sản lượng, với nhiều loại trái ngon, đặc sản.

Song, việc phát triển cây ăn trái vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Vì đâu và làm thế nào để phát triển bền vững cây ăn trái của tỉnh?

Nhiều lợi thế, giàu tiềm năng

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, Vĩnh Long có lợi thế vượt trội so với các tỉnh khác của ĐBSCL là có nguồn nước ngọt quanh năm, nên chủ động sản xuất với nhiều chủng loại trái như: bưởi Năm Roi, cam sành, chôm chôm, sầu riêng, mận xanh đường, măng cụt,… Hiện Vĩnh Long có khoảng 44.500ha cây ăn trái với tổng sản lượng gần 441.000 tấn/năm.

Những năm gần đây tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả, phát triển mạnh các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như cam sành, thanh long; tăng cường sản xuất cây ăn trái theo hướng ứng dụng các quy trình sản xuất an toàn, từng bước gắn hoạt động sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hình thành vùng sản xuất tập trung và xây dựng cánh đồng lớn.

Theo đó, các loại cây lâu năm được tập trung đầu tư phát triển mạnh, đặc biệt là các cây trồng chủ lực có lợi thế của tỉnh như: cam, bưởi, xoài, chôm chôm, nhãn,… Hầu hết các loại trái cây này đều có giá ổn định, giúp nông dân thu nhập khá cao.

Hiện nhiều vùng sản xuất trái cây chuyên canh lớn đã được hình thành, như vùng bưởi Năm Roi (Mỹ Hòa, Đông Thành- TX Bình Minh), bưởi da xanh (Thanh Bình, Quới Thiện- Vũng Liêm); xoài Cát Núm (Quới An, Quới Thiện, Tân Quới Trung- Vũng Liêm), nhãn (Lục Sĩ Thành, Phú Thành- Trà Ôn,...). Đây là vùng nguyên liệu quan trọng của tỉnh để tổ chức thu mua, chế biến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Liễm- Giám đốc Hợp tác xã Xoài cát núm Trung Chánh (Vũng Liêm) cho hay: “Sản lượng cây ăn trái trong thời gian gần đây tăng do tăng diện tích trồng và diện tích cho trái ổn định.

Theo đó, nhà vườn đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, trong đó có giải pháp xử lý ra hoa, tăng cường phân bón hữu cơ, nâng cao năng suất và chất lượng, giảm dư lượng tồn lưu trong trái. Năng suất xoài trồng theo phương pháp mới đạt rất cao, chất lượng trái đều”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh- Nguyễn Văn Liêm cho hay: Diện tích cây ăn trái sản xuất theo hướng an toàn và GAP đã được nhà vườn quan tâm, đồng thời được sự hỗ trợ đầu tư của tỉnh, diện tích đạt chứng nhận VietGAP đều tăng qua các năm. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất có phần chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt, tưới kết hợp bón phân đã được nhà vườn đầu tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian, giảm giá thành.

Làm sao phát triển xứng với tiềm năng?

Có lợi thế, tiềm năng lớn, song, việc phát triển cây ăn trái của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn chậm, chưa đạt hiệu quả. Bằng chứng là trong gần 44.500ha cây ăn trái chỉ có 448,58ha đạt chứng nhận, trong đó sản xuất theo GlobalGAP là 84ha (bưởi, chôm chôm), VietGAP là 354,58ha và sản xuất đủ điều kiện ATTP là 10ha (mãng cầu Xiêm).

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, nguyên nhân là do tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm hàng hóa phân tán, chất lượng không đồng đều, việc sản xuất còn nặng về số lượng, ít chú trọng đến chất lượng, chưa xây dựng được thương hiệu.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ không ổn định, hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản trái cây sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, việc ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ chưa đạt hiệu quả cao,...

“Quan điểm phát triển nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới là chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển ổn định và bền vững, làm động lực cho phát triển công nghiệp và dịch vụ”- ông Nguyễn Văn Liêm cho hay.

Do đó, để làm được điều này, trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Liêm: ngành nông nghiệp sẽ quy hoạch vùng sản xuất thích nghi, từng bước hình thành các vườn cây ăn trái thâm canh, tập trung; quy hoạch vùng sản xuất riêng hướng đến sản xuất sạch và sản xuất hữu cơ; hướng dẫn thực hành sản xuất tốt, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: tiếp tục chuyển giao các loại giống có năng suất, chất lượng cao, các giống đặc sản, đặc trưng vùng, và giống thích ứng tốt với biến đổi khí hậu tại từng địa phương.

Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất; xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm nhằm tạo thêm giá trị gia tăng và điều tiết sản lượng cung cấp ra thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế tình trạng cung vượt cầu và làm gia tăng giá trị sản phẩm.

Hoàn chỉnh hệ thống đê bao, ao hồ trữ nước bảo vệ vườn cây ăn trái, chú ý vùng dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Song song đó, sẽ thực hiện hỗ trợ liên kết ngang, liên kết dọc trong chuỗi giá trị nhằm tạo điều kiện nâng cấp chuỗi; thiết lập cơ chế chính sách, hành lang pháp lý đặc thù của địa phương nhằm thu hút đầu tư, phát triển sau thu hoạch, logistic,…

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN