Góc nhìn

Cá tra- cần tìm về "sân nhà"

Cập nhật, 14:34, Thứ Ba, 18/07/2017 (GMT+7)

Hiện cá tra Việt Nam xuất khẩu sang 140 thị trường trên thế giới, tổng giá trị năm qua đạt hơn 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, con cá tra vẫn chịu nhiều lận đận, khi gần như là một ngành độc quyền cung cấp nhưng không quyết định được giá bán.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Mỹ và Châu Âu được dự báo tới đây sẽ tiếp tục khó khăn, do mặt hàng này đang chịu cạnh tranh gay gắt bởi cá thịt trắng, cá rô phi... từ các nước khác.

Đối với thị trường Mỹ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá tốt, song đang gặp khó khăn với thuế chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Riêng cá tra vào Trung Quốc vẫn chiếm khoảng 20% của toàn ngành. Tuy nhiên, Việt Nam cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao thay vì tập trung vào sản lượng.

Trong khi đó, từ ngày 2/8/2017 tới đây, theo một thông báo từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT) gửi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá bộ Siluriformes (chủ yếu cá tra, ba sa) vào Hoa Kỳ, nêu rõ phía Hoa Kỳ sẽ áp dụng chính thức quy định về nhập khẩu tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes.

Theo đó, tất cả các lô hàng cá bộ Silurformes nhập khẩu vào Mỹ sẽ được FSIS thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức.

Trước những tác động cũng như thách thức tới đây, đã đến lúc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần phải bắt tay nhau cùng hợp tác, chia sẻ với người nuôi trong chuỗi giá trị; hợp tác cùng với nhà nước xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam.

Bên cạnh, các doanh nghiệp cũng cần tập trung khai thác thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân, dư địa còn rất lớn thông qua phương thức đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến vốn lâu nay bị “xem nhẹ”.

HOÀNG MINH