Lo ngại hàng giả cuối năm

Cập nhật, 07:47, Thứ Sáu, 30/01/2015 (GMT+7)

Ham kiếm lời, nhiều cơ sở chủ kinh doanh bất chấp luật pháp, tiếp tay tiêu thụ, sản xuất hàng giả. Điều này không chỉ làm bất ổn thị trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân và cơ sở sản xuất chân chính.

Số lượng hàng giả tăng và có quy mô lớn. Trong ảnh: Tiêu hủy số lượng hàng giả, hàng vi phạm trong năm 2014.

Quy mô ngày càng lớn

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), thời gian qua tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Trong đó, hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều, với quy mô ngày càng lớn.

Đoàn kiểm tra đã nhiều lần phát hiện nhiều mặt hàng vi phạm số lượng lớn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng, như: rượu ngoại, bánh ngọt, kẹo, bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto…

Biết kinh doanh, sản xuất hàng giả là vi phạm pháp luật song vì ham lời, nhiều chủ cơ sở đã bất chấp luật pháp. Đến khi bị phát hiện, một số người khai nhận gia cảnh khó khăn nên mua bán để kiếm lời, nhưng lại có nhiều người giải thích không biết là hàng giả (!?).

Ông Trần Quốc Linh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương): Thời gian qua, tình hình buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng lậu có chiều hướng gia tăng, nhất là trên khâu lưu thông. Hàng giả vi phạm nhiều, tinh vi hơn, số lượng lớn hơn. Do đó, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là trong thời điểm cận tết, đảm bảo nhu cầu mua sắm cho người dân.
Điển hình như tháng 4/2014, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ trên 100 bịch bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto tại tiệm tạp hóa của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hiếu (ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn); tháng 8/2014, phát hiện và thu giữ 94 áo sơ mi giả nhãn hiệu Việt Tiến tại shop Hồng Châu (chợ Vĩnh Long).

Tháng 12/2014, phát hiện 2 trường hợp sản xuất hàng hóa giả có quy mô lớn với số lượng hàng ngàn gói do Nguyễn Ngọc Anh và Nguyễn Văn Ba (cùng ngụ xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) sản xuất, tiêu thụ và bỏ mối cho các tiệm tạp hóa khác.

Các mặt hàng giả nhãn hiệu bao gồm: bột giặt Omo, bột giặt nhiệt Aba, băng vệ sinh Kotex, nước xả vải Downy, bột ngọt Ajinomoto, dầu gội Clear. Bên cạnh đó, cơ sở “đầu tư” số lượng lớn phụ gia thực phẩm, máy ép nhựa, cân đồng hồ… làm phương tiện sản xuất hàng giả.

Là hàng giả nhưng chủ các cơ sở này vẫn bán giá bằng giá trị hàng thật. Nguyễn Ngọc Anh khai nhận: “Tất cả số hàng hóa tịch thu là hàng hóa giả, đã mua nguyên liệu, bao bì giả về đóng gói, có một số hàng là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc để bán lại cho các tiệm tạp hóa kiếm lời. Biết buôn bán sản xuất hàng giả là sai quy định nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mới vi phạm pháp luật”.

Mới đây, tháng 1/2015, Đội quản lý thị trường số 7 (Mang Thít) đã bắt quả tang một cơ sở pha chế nước mắm lậu không đảm bảo an toàn vệ sinh chất lượng tại ấp Phước Lộc A (xã Bình Phước- Mang Thít).

Chủ nhân là Phạm Quốc Việt (SN 1978, ngụ 177 ấp Chiến Lược, xã Bình Hưng Hòa- TP Hồ Chí Minh) không có giấy phép kinh doanh. Qua đó, phát hiện hơn 1.200 chai nước mắm được đóng chai dán tem thành phẩm mang nhãn hiệu nước chấm Nam Hải không có tem kiểm định.

Ông Việt chuẩn bị đem đi tiêu thụ thì bị lực lượng ập tới kiểm tra lập biên bản tạm giữ số hàng và niêm phong các dụng cụ để dùng pha chế. Bên cạnh đó còn hơn 60.000 bao bì chưa dán trên chai.

Anh Bùi Văn Chọn- Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 cho biết: Toàn bộ số nước mắm trên đều là hàng giả, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất không rõ ràng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đừng tiếp tay cho hàng giả

Đối với tiểu thương, nhận biết hàng lậu, hàng giả là không khó bởi nó không có hóa đơn chứng từ cũng như nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên vì lợi nhuận, đã không ít người kinh doanh chấp nhận buôn bán, sản xuất hàng giả để thu lợi nhuận. Trong khi đó, làm giả các mặt hàng thực phẩm cần phải lên án mạnh mẽ bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cô Lưu Ngọc Mai (Phường 8- TP Vĩnh Long) lo lắng: “Giờ hàng giả ngày càng tinh vi, rất khó phân biệt. Có chăng là ở cái tâm của người bán, chứ người tiêu dùng dù có cẩn thận đến đâu nhưng tiểu thương gian dối thì người tiêu dùng cũng chỉ là chịu thiệt”.

Kinh doanh, ai cũng muốn có lãi. Tuy nhiên phải lãi như thế nào để ích nước, lợi nhà và lãi như thế nào để có môi trường kinh doanh lành mạnh. Để hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu không còn đất sống, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và đạo đức kinh doanh của tiểu thương. N

ói không với kinh doanh, sản xuất hàng giả không chỉ giữ uy tín với người tiêu dùng mà còn góp phần ổn định thị trường. Bên cạnh đó, cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, việc tăng cường tuyên truyền, kiểm tra của lực lượng chức năng là điều rất cần thiết. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm. Có như vậy mới ổn định được thị trường, bảo vệ quyền lợi chân chính cho người tiêu dùng, cơ sở sản xuất chân chính, giúp kinh tế nước nhà phát triển.

Trong năm 2014, Chi cục Quản lý thị trường đã xử lý 42 hành vi vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, phạt hành chính số tiền trên 304 triệu đồng, hàng hóa vi phạm trị giá trên 237 triệu đồng, hàng hóa vi phạm gồm: phụ tùng xe gắn máy, phân bón, bột giặt, dầu gội, nước xả vải, bột ngọt, thức ăn chăn nuôi, bột trét, tân dược, đồ may sẵn...


Bài, ảnh: THẢO LY