Tạo ra não người cấy vào động vật- giới khoa học tranh cãi

Cập nhật, 08:58, Thứ Bảy, 26/10/2019 (GMT+7)

Các nhà khoa học chuyên về thần kinh đã tạo ra não người có kích thước bằng hạt đậu và có thể cấy ghép vào động vật. Tuy nhiên, nghiên cứu trên đang gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học thế giới.

Kỹ thuật nuôi cấy não người trong phòng thí nghiệm có thể tạo ra não người với kích thước nhỏ như hạt đậu.
Kỹ thuật nuôi cấy não người trong phòng thí nghiệm có thể tạo ra não người với kích thước nhỏ như hạt đậu.

“Hạt đậu” biết đi

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học của ĐH Harvard (Mỹ) phát hiện não nuôi cấy phát triển được nhiều dạng tế bào khác nhau, từ tế bào thần kinh vỏ não đến tế bào võng mạc. Nếu để phát triển trong 8 tháng, chúng tự hình thành mạng lưới thần kinh có khả năng hoạt động và phản ứng nếu bị chiếu ánh sáng.

Nhiều nhà khoa học thần kinh giải thích cho việc nuôi cấy não người rằng đây là kỹ thuật tiên tiến giúp họ có thể mang tới một cuộc cách mạng trong y khoa vì cho phép nghiên cứu trên não sống.

Các mẫu vật nuôi cấy có thể giúp họ thực hiện các nghiên cứu mà trước đây rất khó thực hiện, như tìm hiểu các căn bệnh về thần kinh: tâm thần phân liệt, tự kỷ, teo não do vi rút Zika... Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng sẽ sử dụng cơ quan nhân tạo này để nghiên cứu một loạt triệu chứng rối loạn não, từ Alzheimer đến Parkinson cũng như các tình trạng về mắt như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.

Trong một nghiên cứu khác do Fred Gage tại Viện Salk ở San Diego thực hiện, các nhà nghiên cứu đã cấy ghép mô não người vào não chuột và phát hiện ra rằng chúng có khả năng kết nối với nguồn cung cấp máu của con vật và tạo ra các kết nối mới.

Vào tháng 3 năm nay, các nhà khoa học đã phát triển một bộ não nhỏ- được cho là có sóng não tự nhiên tương tự như bộ não của thai nhi 12- 13 tuần tuổi, chưa có suy nghĩ, cảm xúc hay ý thức.

Khi thực hiện thí nghiệm bộ não nhân tạo đặt bên cạnh một mảnh tủy sống của chuột và một mảnh mô cơ của chuột, các nhà khoa học đã phát hiện khối não nhân tạo “di chuyển” tới gần các mô cơ và tủy sống để “thăm dò”. Sử dụng kính hiển vi trong quá trình lâu hơn, các nhà nghiên cứu thấy rằng, bộ não nhân tạo chỉ bằng hạt đậu này đã tìm cách để tự kết nối với tủy sống và mô cơ.

Các nhà khoa học cho rằng: “Nghiên cứu não nhân tạo cho phép chúng ta kỳ vọng về nhiều thứ. Chúng mở ra cánh cửa cho nghiên cứu về sự mất cân bằng mạch thần kinh của bệnh động kinh hay các khiếm khuyết kết nối gây ra chứng tự kỷ và tâm thần phân liệt”.

Tranh cãi về đạo đức trong nghiên cứu khoa học

Dù có rất nhiều lợi ích khi nuôi cấy một bộ não nhân tạo phục vụ thí nghiệm nhưng sự phát triển của xu hướng nuôi cấy não nhân tạo đã đối mặt với những cảnh báo của giới chuyên môn.

Nhiều nhà khoa học tin rằng, tiềm năng mô não nhân tạo đó có khả năng bị y học can thiệp, biến đổi thành não sống là điều sẽ xảy ra trong tương lai. Nó sẽ đạt đến lằn ranh đỏ giữa nghiên cứu mẫu vật trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm con người. Chưa kể, mẫu vật não nhân tạo còn có thể được thử nghiệm bằng cách cấy ghép vào động vật để thử nghiệm quá trình chúng tác động vào cơ thể động vật hay ngược lại.

Ông Elan Ohayon- Giám đốc Phòng Thí nghiệm khoa học thần kinh Green tại San Diego (bang California- Mỹ) cho biết, ông không phủ nhận những lợi ích mà não nhân tạo mang lại. Tuy nhiên, nếu để não nhân tạo phát triển đạt đến mức độ chứa các cảm giác và nhận thức như đau đớn, vui buồn... mà vẫn tiến hành thí nghiệm thì việc nghiên cứu này đã đi quá giới hạn.

Đồng thời, ông và các đồng nghiệp phản đối cấy ghép não nhân tạo vào não động vật, vì hoạt động của não nhân tạo độc lập và hoạt động sinh học của động vật đang phát triển là tương tự nhau.

Ông Ohayon muốn các đơn vị gây quỹ “đóng băng” mọi nghiên cứu đề ra mục tiêu cấy ghép não người vào con vật, cũng như các nghiên cứu muốn chứng minh não nhân tạo có khả năng nhận thức, cảm nhận. Ở Anh, các nhà khoa học đã bị cấm nghiên cứu trên các phôi hiến tặng phát triển hơn 14 ngày.

Năm ngoái, một nhóm các nhà khoa học, luật sư, nhà đạo đức và triết gia đã kêu gọi một cuộc tranh luận về đạo đức về não nhân tạo.

Các tác giả, trong đó có ông Hank Greely- Giám đốc Trung tâm Luật và Khoa học sinh học tại ĐH Stanford (bang California)- cho biết, phần cơ quan nhân tạo chưa đủ tinh vi để gây lo ngại ngay lập tức về vấn đề đạo đức, nhưng đã đến lúc bắt đầu thảo luận về những mối lo này.

 

ĐÔNG PHƯƠNG

(Trích lược từ ĐVO)