Trí thức với cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0

Cập nhật, 13:55, Thứ Năm, 24/05/2018 (GMT+7)

Ở nước ta, hiện trình độ nhân lực và công nghệ phần lớn ở trạng thái của cách mạng công nghệ lần thứ 2 và thứ 3, chỉ số ít đạt trình độ của cách mạng công nghệ lần thứ 4 (4.0).

Đây là cuộc cách mạng sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít gian nan, thách thức. Còn vai trò của đội ngũ trí thức chính là chìa khóa đón đầu để thích ứng tốt với cuộc cách mạng công nghệ lần này…

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với trí thức trẻ.Ảnh minh họa
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với trí thức trẻ.Ảnh minh họa

Cơ hội và thách thức

Vấn đề đặt ra là làm sao trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tỉnh Vĩnh Long phải xác định được thực trạng và giải pháp để giải quyết những thách thức, đón đầu, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về nguồn nhân lực, giới trí thức của tỉnh.

Theo Ths Thái Văn Tào- Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng các luận cứ khoa học cho quy hoạch đường lối, chủ trương; trực tiếp tham gia đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài.

“Đặc biệt là đội ngũ trí thức của tỉnh tham gia ngày càng nhiều vào công tác lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, nhiều thế hệ trí thức trẻ được đào tạo chuyên sâu, trong 10 năm gần đây, đã có nhiều người được tỉnh đưa đi đào tạo và tốt nghiệp sau ĐH ở các trường trong và ngoài nước…”- Ths Thái Văn Tào cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ Nguyễn Trọng Danh, hiện tỉnh cũng đã phát huy vai trò nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, khoa học- công nghệ, từng bước tiếp cận và xây dựng nền tảng vững chắc cho cách mạng công nghệ 4.0.

“Cụ thể là việc quan tâm đầu tư ở nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin; công nghệ của doanh nghiệp; đầu tư phát triển, nâng cao tiềm lực khoa học- công nghệ, y tế, môi trường, đô thị thông minh…

Đồng thời cũng đã triển khai các đề án, chủ trương, chính sách của Trung ương về giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0…”- ông Nguyễn Trọng Danh chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, thì đội ngũ trí thức tỉnh nhà còn gặp phải những thách thức, trong đó cũng mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan.

Theo nhận định từ các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi nền GD-ĐT cần có những cải cách, đổi mới cơ bản, toàn diện để đón đầu hoặc tiếp cận nhanh.

Trong đó, một trong những thách thức, hạn chế, yếu kém chính là năng lực nghiên cứu sáng tạo, sự kết nối giữ các trường ĐH và doanh nghiệp trong đào tạo nghiên cứu sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Và theo Ths Thái Văn Tào, hiện nay vẫn còn có sự bất cập về cơ chế, chính sách trong sử dụng, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài còn chậm và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Qua đó, đứng trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đội ngũ trí thức còn bộc lộ nhiều hạn chế,
yếu kém.

“Có thể nói chất lượng trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trình độ của trí thức ở nhiều cơ quan, đơn vị, trường ĐH chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng.

Đặc biệt là hiện nay một bộ phận không nhỏ cử nhân tốt nghiệp có hiệu quả lập thân, lập nghiệp chưa cao, nhất là không đủ khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin…”- Ths Thái Văn Tào nhấn mạnh.

Trí thức trẻ với giáo dục và cách mạnh công nghệ 4.0

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế- xã hội toàn cầu, trong đó có nền giáo dục. Đặc biệt là đặt ra những thách thức cũng như cơ hội cho ngành giáo dục.

Theo PGS. TS Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, trí thức trẻ với sự nhiệt huyết trong công việc, thích ứng nhanh với cái mới, nhạy bén và sáng tạo trong học tập, giảng dạy cũng như trong nghiên cứu khoa học sẽ là lực lượng trọng tâm để xây dựng nền giáo dục 4.0 dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Đánh giá về vai trò của cả người dạy và học rất quan trọng trong thời đại hiện nay, nhất là thực tế khách quan luôn thay đổi, PGS. TS Cao Hùng Phi cho rằng, người thầy phải là chuyên gia công nghệ thông tin, tích cực trang bị cho các sinh viên kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng có liên quan để đáp ứng nhu cầu xã hội, làm sao để các sinh viên có tư cách của một công dân toàn cầu.

“Trong khi trí thức trẻ trong học tập cần thay đổi tư duy bằng cấp, với xu thế mới nhu cầu người làm được việc, tự tạo cho mình một hành trang bền vững là tri thức, sự sáng tạo, sức khỏe tốt, biết đón đầu xu hướng, dám thay đổi để phù hợp với thời đại…”- PGS. TS Cao Hùng Phi cho biết.

Trong khi đó, giảng viên Lương Hoàng Hên- Khoa Khoa học Cơ bản (Trường ĐH Xây dựng Miền Tây) cho rằng, nguồn nhân lực 4.0 phải có trình độ, chất lượng cao về kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội, đạt trình độ quốc tế,… và có thể chia ra thành các nhóm như: nhóm năng lực kỹ thuật, nhóm năng lực phương pháp, nhóm năng lực xã hội và nhóm năng lực cá nhân.

“Do đó, trách nhiệm của giảng viên trong đào tạo nguồn nhân lực 4.0 chính là thường xuyên nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên cập nhật kiến thức mới…

Đặc biệt là thay đổi phương pháp dạy học, tham gia tích cực vào việc xây dựng chuẩn đầu ra, nghiên cứu và gắn kết chặt chẽ hơn nữa nghiên cứu khoa học với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ, sản xuất…”

Theo Sở Nội vụ Vĩnh Long, tổng số trí thức toàn tỉnh có gần 30.000 người, chiếm 2,9% dân số. Trong đó, có khoảng 90% hoạt động liên quan đến khoa học- công nghệ, còn lại là giới báo chí và văn nghệ sĩ. Qua đó, để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức bền vững trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0 thì cần hoàn thiện môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; xây dựng chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo Đảng đối với trí thức;…

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY