Trần Đăng Khoa bật mí vì sao làm thơ từ khi còn rất nhỏ

Cập nhật, 22:19, Chủ Nhật, 05/06/2016 (GMT+7)

Mỗi bài thơ không chỉ là một sáng tạo nghệ thuật. Ẩn chứa trong đó là những câu chuyện dí dỏm, hồn nhiên của tuổi thơ, mà tác giả luôn muốn chia sẻ với các độc giả nhí.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi giao lưu. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi giao lưu. Ảnh: Quỳnh Anh

Nằm trong khuôn khổ “Hội sách thiếu nhi”- chào mửng ngày Quốc tế Thiếu Nhi 1/6, diễn ra tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám; vừa qua, NXB Kim Đồng có tổ chức chương trình “Marathon reading- Du hành qua các nền văn học thế giới”.

Trong chương trình này, các bạn đọc nhỏ tuổi sẽ được cùng nhau đọc sách, khám phá các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới dành cho thiếu nhi và nhận nhiều phần quà hấp dẫn. Sau khi du hành qua một loạt các quốc gia như: Anh, Pháp, Nga, Italia, Phần Lan, Nhật Bản… các bạn nhỏ đã “quay trở lại” Việt Nam và có cuộc gặp gỡ đầy thú vị với nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Trong buổi giao lưu, tác giả của Góc sân và khoảng trời đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện thú vị xung quanh những bài thơ mà ông làm khi còn bé, mà chắc chắn nhiều bạn nhỏ còn chưa được biết. Nhà thơ Trần Đăng Khoa rất vui khi thấy có nhiều bạn nhỏ đến Văn Miếu vào hôm nay để cùng nhau đọc sách, Đọc sách là một thói quen tốt đối với trẻ nhỏ, khi còn bé Trần Đăng Khoa cũng là một đứa trẻ rất ham đọc.

Nhắc đến những kỷ niệm về chuyện đọc sách, nhà thơ nhớ ngay đến tủ sách của anh trai. Ông tâm sự: “Khi tôi còn nhỏ, anh Trần Nhuận Minh có một giá sách rất lớn, ở trong đó có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Việt Nam và thế giới như: Số đỏ, Bỉ vỏ, Thi nhân Việt Nam, Đỏ và đen, Truyện ngắn của Chekhov, Tấn trò đời… hồi ấy những tác phẩm này đều bị liệt vào hàng … sách cấm; và trẻ con thì càng không được đọc. Nhưng tôi vẫn tìm cách chờ những lúc anh trai đi vắng để đọc trộm”.

Chính niềm đam mê đọc sách đã dẫn cậu bé Khoa chập chững những bước đầu tiên đến với “nghiệp làm thơ”. Nhà thơ chia sẻ một kỷ niệm rất hồn nhiên: “Trong một lần anh Minh dọn tủ sách và đem bỏ bớt những quyển bị mối mọt và hư hỏng quá nhiều, tôi tìm thấy trong đống sách bỏ đi tập thơ Tấm lòng chúng em. Đây là tập thơ thiếu nhi, tập hợp những bài thơ các bạn nhỏ trên mọi miền đất nước viết về Bác Hồ (do hai nhà thơ Định Hải và Ngô Viết Dinh tuyển chọn). Đọc xong tôi thầm nghĩ: “Làm thơ như thế này thì… mình cũng làm được”. Từ đó, cậu bé Khoa bắt đầu làm thơ.

Làm thơ, không chỉ đem đến cho Trần Đăng Khoa niềm vui được bước vào thế giới của sự tưởng tượng và ngôn từ. Tiền nhuận bút thời đó còn là cả một gia tài lớn… với không chỉ riêng cậu bé Khoa mà còn đối với cả nhà. Nhà thơ kể: “Một gánh bèo mẹ tôi vất vả vớt cả buổi mới được có 5 hào. Trong khi đó một bài thơ của tôi in trên báo Văn Nghệ vào những năm 1960 đã được trả nhuận bút lên tới 30 đồng. Khi cộng tác với NXB Kim Đồng, các cô chú BTV sợ tôi giữ tiền sẽ sinh hư nên quyết định... không trả tiền nữa mà thay bằng hiện vật. Khi thì con búp bê Nga biết mở mắt, nhắm mắt, lúc thì cái chăn bông, hay đài cassette. Đài cassette khi ấy rất hiếm, cả xã may ra mới có một cái, nên ai có đài thì oai lắm. Thế mới có chuyện có anh đi tán gái, liền đến nhà tôi mượn cái đài để đeo bên mình để đến nhà bạn gái cho oai”.

Nhà thơ cũng đã có chia sẻ về hai ấn bản mới của mình tại NXB Kim Đồng là Tuyển thơ Trần Đăng Khoa và Đảo chìm, đặc biệt là Tuyển thơ Trần Đăng Khoa. Cá nhân tác giả đánh giá đây là tuyển tập thể hiện đầy đủ và khá toàn diện về gia tài sáng tác của mình từ buổi đầu đến nay. Cuốn sách này không chỉ là ấn bản để bạn đọc đến với những vần thơ của Trần Đăng Khoa, nó còn là công cụ hữu ích cho việc nghiên cứu.

Buổi giao lưu khép lại với đầy ắp tiếng cười. Chính sự dí dỏm và hóm hỉnh của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thu hẹp khoảng cách thế hệ giữa nhà thơ và các độc giả nhí. Dường như sâu thẳm trong con người sắp bước vào tuổi sáu mươi ấy, vẫn còn bóng dáng của chú bé mê làm thơ, thật thà, hồn nhiên thuở nào.

Theo Zing.vn