Đóng góp dự thảo báo cáo chính trị tỉnh (lần 2): Khâu đột phá không nên dàn trải

Cập nhật, 07:23, Thứ Sáu, 20/03/2020 (GMT+7)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh cho dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 (dự thảo lần 2).

Đây là quy trình nhằm hoàn chỉnh dự thảo báo cáo chính trị của tỉnh trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Đảng bộ và toàn dân. Tại hội nghị này, có nhiều ý kiến tâm huyết xoay quanh định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong 5 năm tới.

 

Đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 (dự thảo lần 2).
Đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 (dự thảo lần 2).

Xác định động lực để phát triển

Tại hội nghị, đa số các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh thống nhất cao với dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về những thành tựu đạt được, những hạn chế cũng như định hướng phát triển và các khâu đột phá.

Theo đó, trong 5 năm tới, Vĩnh Long tiếp tục tập trung huy động nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thực hiện cơ cấu kinh tế nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng và thương mại dịch vụ.

Các đại biểu đồng tình cần đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, kết nối tốt với vùng ĐBSCL và cả nước.

Đóng góp thêm cho dự thảo, đại biểu cho rằng đối với mục tiêu chung cần xác định động lực phát triển 5 năm tới. Theo đồng chí Trần Văn Khái- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, văn kiện cần xác định động lực phát triển 5 năm tới là gì để đưa ra chính sách sát hợp và tập trung nguồn nhân lực, vật lực thực hiện.

Đồng chí đề xuất, ngoài tiềm năng thế mạnh của tỉnh, chúng ta cần nghiên cứu thêm hướng để phát triển như “kinh tế đêm”- đang là một xu hướng cần quan tâm. Ngoài ra, cần khai thác tối đa lượng kiều hối đưa về hàng năm, nguồn lực từ xuất khẩu lao động (khoảng trên 5.000 người của nhiệm kỳ), thị trường bất động sản,…

Góp về góc độ chuyên môn của ngành, đồng chí còn đề xuất làm sao phải nâng cao ý thức học nghề cho thanh niên, người dân và có cơ chế chính sách đặc thù để thu hút, vận động doanh nghiệp tham gia dạy nghề.

Qua khảo sát, ở một số nước các doanh nghiệp gắn kết tốt với các trường dạy nghề và thường doanh nghiệp sản xuất cái gì thì trong trường đều có mô hình thu nhỏ của doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng của họ.

Vĩnh Long vẫn là tỉnh nông nghiệp, do vậy việc định hướng để phát triển thời gian tới cũng được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo đồng chí Đoàn Thanh Bình- Giám đốc Sở Xây dựng, Vĩnh Long cần hạn chế tỷ trọng trong nông nghiệp và hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu muốn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà không cho tích tụ ruộng đất thì rất khó, thêm vào đó, nếu người dân không chịu đổi mới trong tư duy, trong cách làm mà vẫn sản xuất theo kiểu cũ thì giống như “gạo mới đổi gạo cũ”.

Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Lê Thanh Tuấn- quyền Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long cho rằng, nếu không đặt vấn đề tích tụ ruộng đất thì không thể tính đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng chí đề xuất, nếu chưa có luật quy định thì tỉnh nên xin cơ chế để làm thí điểm.

Khâu đột phá không nên dàn trải

Trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 (dự thảo lần 2), trong 5 năm tới Vĩnh Long sẽ chọn 3 khâu đột phá để thực hiện. Đó là các khâu đột phá: phát triển nguồn nhân lực; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào một số ngành…

Theo một số đại biểu, đối với các khâu đột phá, không nên dàn trải mà nên tập trung để dễ thực hiện. Theo đồng chí Trương Thành Dãnh- Bí thư Huyện ủy Bình Tân, đã đề ra các khâu đột phá thì không thể đồng bộ như nhau mà phải chọn cái cần thiết nhất và có trọng tâm.

Đồng chí đề xuất, đối với khâu đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội chỉ tập trung đầu tư các khu- cụm công nghiệp và du lịch; đối với khâu đột phá thu hút đầu tư thì nên ưu tiên vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

Theo đồng chí Trần Văn Khái, khi đưa ra các khâu đột phá thì không nên quá nhiều và chúng ta phải tính đến nguồn lực để thực hiện các khâu đột phá này. Đồng chí đề nghị, mỗi khâu đột phá chỉ tập trung một vài lĩnh vực, như đào tạo nguồn nhân lực thì nên ưu tiên đào tạo nhân lực cán bộ lãnh đạo quản lý (nói chung) và kỹ năng lao động.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh- Nguyễn Minh Dũng cho rằng, đã chọn là khâu đột phá thì không nên dàn trải mà phải tập trung.

Đồng chí đề xuất, đối với khâu đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nên tập trung đầu tư các khu- cụm công nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin. Đối với công nghệ thông tin thì xu hướng tới đây là một lĩnh vực quan trọng và tỉnh cần có những “cánh chim đầu đàn” về lĩnh vực này để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Kết thúc phiên lấy ý kiến, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- đề nghị Tiểu ban Văn kiện tiếp thu tối đa tinh thần đóng góp của các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh để hoàn thiện và sẽ tổ chức lấy ý kiến lần 3 trước khi hoàn chỉnh dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Đảng bộ và toàn dân.

   Bài, ảnh: THANH TÂM