Giáo dục phải theo hướng giảm tải nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học

Cập nhật, 16:33, Thứ Năm, 15/11/2018 (GMT+7)

Ngày 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đóng góp cho dự án luật này, đại biểu đồng tình quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Bởi, giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người, nên đội ngũ giáo viên mầm non là nhân tố quyết định chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. 

Đại biểu đề nghị cần phải có quy định, xây dựng kế hoạch thực hiện hợp lý để bố trí đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn hằng năm phù hợp với yêu cầu giảng dạy, tránh tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi.

Để nâng chất lượng giảng dạy, đại biểu đề nghị cần phải chọn học sinh có phẩm chất và năng lực tốt vào học sư phạm, có chế độ ưu đãi cao đối với nhà giáo và thực hiện hướng chuẩn cho giáo viên, phương thức đào tạo, tiến tới giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đều có trình độ đại học.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị chương trình giảng dạy phải theo hướng giảm tải, nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học, tránh tình trạng nhồi nhét nặng nề khiến học sinh phải sợ học; nội dung sách giáo khoa phải tinh gọn, mang bản sắc Việt Nam và hiện đại theo chuẩn quốc tế.

Đề nghị bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như hiện nay, chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia để chọn học sinh vào các trường đại học.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về ngôn ngữ của người khuyết tật, cụ thể là chữ viết nổi cho người khiếm thị và thủ ngữ cho người khiếm thính. Đây là yếu tố then chốt nhằm hỗ trợ việc hòa nhập cộng đồng và loại bớt rào cản cho người khuyết tật.

TÂM THI