Thẩm quyền xử phạt vi phạm Luật Điện lực thuộc ngành công an

Cập nhật, 15:26, Thứ Ba, 12/01/2021 (GMT+7)

Tôi được biết, Luật Điện lực quy định khách hàng có hành vi vi phạm trong quá trình sử dụng điện sẽ bị phạt hành chính. Cụ thể, đó là các hành vi nào và mức phạt là bao nhiêu, đơn vị cung cấp điện có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính không?

Nguyễn Ngọc Nhi

(Long Hồ)

Trả lời:

Căn cứ Điều 8 Nghị định 105/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực thì các hành vi vi phạm của bên mua điện gồm: trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký trong trường hợp mua bán điện để bán lại cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện; sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng; không thực hiện cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng; sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm; tự ý sử dụng thêm nguồn điện khác của bên bán điện ngoài nguồn đã ghi trong hợp đồng; đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển các thiết bị và công trình lưới điện của bên bán điện; không thanh lý hợp đồng khi không sử dụng điện; làm hư hỏng thiết bị điện hoặc công trình điện của bên bán điện; chậm trả tiền điện theo quy định mà không có lý do chính đáng; gây sự cố đối với lưới điện của bên bán điện và gian lận trong sử dụng điện dưới mọi hình thức.

Theo Điều 31 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm nêu trên thuộc ngành công an, mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 10 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Công ty điện lực (bên bán điện) không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

PHÒNG BẠN ĐỌC