Tạm hoãn hợp đồng lao động, có được trả lương?

Cập nhật, 10:35, Thứ Sáu, 07/08/2020 (GMT+7)

Hiện nay, một số công ty buộc phải cắt giảm lao động vì nhiều lý do. Xin hỏi, những trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) như vậy, người lao động có được trả lương không?

Lê Thị Phương Linh

(TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Điều 32 Bộ luật Lao động 2012 quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ bao gồm:

Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự; người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; lao động nữ mang thai theo quy định; các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

Như vậy, ngoài các trường hợp cụ thể được quy định như trên thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động để tạm hoãn HĐLĐ.

Về vấn đề trả lương ngừng việc sẽ căn cứ vào quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định.

Đối với những trường hợp vì nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2012.

Trong trường hợp nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ theo quy định 32 Bộ luật Lao động 2012. Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.

Như vậy, Bộ luật Lao động hiện hành không quy định buộc người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, mà việc này sẽ do hai bên thỏa thuận tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng doanh nghiệp.

PHÒNG BẠN ĐỌC