Có quyền kháng cáo, nếu xét thấy bản án sơ thẩm chưa thỏa đáng

Cập nhật, 07:59, Thứ Ba, 31/12/2013 (GMT+7)

Ông Lưu Đức Thượng, ngụ Tổ 11, ấp Đông Hậu, xã Đông Bình- TX Bình Minh khiếu nại: Năm 2006, con tôi là Lưu Thị Kim Hương kết hôn với Trần Ngọc Điệp và trong năm này hai người có một con chung là Trần Lưu Bảo Ngọc. Do mâu thuẫn, vợ chồng con tôi ly thân từ tháng 8/2006 đến nay và đã gửi đơn đến tòa án yêu cầu xử ly hôn. Con rể tôi đã giành quyền nuôi con. Đúng luật là con gái tôi phải được quyền nuôi dưỡng cháu Ngọc, nhưng tòa án ra quyết định cho con rể tôi là Trần Ngọc Điệp được quyền nuôi con. Vì vậy, tôi rất mong cơ quan có thẩm quyền xét xử đem lại sự công bằng cho con tôi.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì sau khi có bản án sơ thẩm, nếu không đồng ý, đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn quy định.

Về thủ tục kháng cáo: Sau khi làm đơn kháng cáo, người kháng cáo nộp đơn cho tòa án sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm (kèm theo tài liệu, chứng cứ bổ sung- nếu có).

Sau khi nhận đơn, tòa án sơ thẩm sẽ kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Sau đó ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Trong thời hạn 10 ngày, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và biên lai đóng tạm ứng án phí cho tòa án sơ thẩm.

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, tòa án sơ thẩm sẽ gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho tòa án phúc thẩm. Đồng thời, sẽ thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo.

Thời hạn kháng cáo: Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện, ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì.

Như vậy, căn cứ quy định trên nếu ông xét thấy bản án của tòa án cấp sơ thẩm chưa thỏa đáng thì ông có quyền làm đơn kháng cáo đề nghị tòa án cấp trên xem xét, xử lại một lần nữa hoặc xử lại các vấn đề mà ông cho rằng chưa thỏa đáng.

PHÒNG BẠN ĐỌC