Chế độ thôi việc đối với công chức cấp xã

Cập nhật, 13:15, Thứ Sáu, 26/07/2013 (GMT+7)

Trường hợp nào thì công chức cấp xã được hưởng chế độ thôi việc, thủ tục giải quyết thôi việc và trợ cấp thôi việc được thực hiện như thế nào?

Nguyễn Trường Sơn (Vĩnh Long)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 229 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về công chức xã- phường- thị trấn, công chức cấp xã được hưởng chế độ thôi việc trong các trường hợp sau: theo nguyện vọng và được UBND cấp huyện đồng ý; do 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức.

Đối với chỉ huy trưởng quân sự cấp xã, trưởng công an xã, ngoài các trường hợp đã nêu ở trên, khi bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức mà không sắp xếp được chức danh công chức khác ở cấp xã thì cũng được giải quyết chế độ thôi việc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành.

Thủ tục giải quyết thôi việc, trợ cấp thôi việc, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc, chế độ BHXH khi thôi việc đối với công chức cấp xã được áp dụng theo quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 8 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.

Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã và trưởng công an xã khi thôi việc, ngoài chế độ thôi việc được hưởng theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP còn được hưởng các chế độ thôi việc khác quy định tại Nghị định 58/2010/NĐ-CP ngày 1/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 7/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã.

Công chức thôi việc cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng (Điều 5 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP).

PHÒNG BẠN ĐỌC