Đừng coi khinh những gì mình không có được!

Cập nhật, 05:39, Thứ Ba, 27/04/2021 (GMT+7)

(VLO)  Sáng nay, khi tôi cùng mấy người bạn uống cà phê tại một quán quen thì bị chi phối bởi câu chuyện của gia đình nhỏ bên cạnh. Một cặp vợ chồng trẻ dẫn theo cô “công chúa” xinh xắn gọi đồ ăn sáng và thức uống ở bàn kế bên. 

Chị vợ gặp người quen và cháu bé được người này tặng 1 cái bánh bông lan kèm theo lời giới thiệu: “Cô cho con gái cái bánh nè!” và quay sang bảo chị vợ: “Cưng yên tâm cho bé ăn! Bánh nhà làm. Mẹ chị gửi người quen đem lên, chị mới chạy ra lấy đó”.

Chắc do chưa từng được ăn những chiếc bánh bông lan có kiểu dáng như thế này nên bé gái đòi ăn ngay.

Chiều con, đôi vợ chồng trẻ “dọn” đồ ăn sáng sang một bên và nói với cô bé: “Con gái ăn sáng bằng bánh bông lan cũng được. Mẹ nghe mấy dì làm chung bảo bánh nhà cô H. làm ngon lắm!”

Nhưng, do bất cẩn, người mẹ đánh rơi cái bánh xuống đất. Thế là, cô bé rưng rưng nước mắt: “Bánh bông lan của con dơ hết rồi! Làm sao đây? Con muốn ăn bánh bông lan!”

Thay vì dỗ con bằng lời xin lỗi, hứa mua cho con cái bánh ngon giống như vậy hay cũng có thể là lời hứa để hôm nào mẹ làm cái bánh khác đền cho con (nếu người mẹ biết cách làm hoặc sẽ học cách làm vì loại bánh này các bé rất thích ăn. Thỉnh thoảng, cả nhà cùng vào bếp làm bánh cũng rất vui),...

Trái lại, người mẹ trẻ bảo: “Thôi bỏ đi con. Mẹ nghĩ bánh này cũng không ngon lắm đâu! Con nhìn kìa! Chỗ vàng vàng kìa! Chắc là đắng lắm đó! Lát nữa, mẹ nói cha chở 2 mẹ con mình đi siêu thị.

Trong siêu thị có rất nhiều bánh ngon hơn con tha hồ mà lựa nhe con!” Nghe mẹ nói có từ “đắng”, bé liền nín khóc: “Chút cha chở con đi siêu thị nghe cha!”

Trong cuộc sống, có rất nhiều người từ ưa thích nhưng khi không thể có được thì dễ dàng chuyển sang coi thường. Thậm chí còn cho rằng những thứ đó là không ra gì và chê bai, khinh rẻ.

Một chiếc áo thấy là thích ngay nhưng do “chậm tay” hơn nên người kế bên đã chọn thì “suy nghĩ lại” và cho rằng lòe loẹt, quê mùa quá đi. Một công việc hằng mơ ước nhưng thi vào không đậu thì “tự an ủi mình” còn khối công việc “ngon” hơn.

Vậy thì sở thích, ước mơ, hoài bão và quan trọng hơn là cái tôi của chính mình ở đâu? Bánh bông lan nhà làm, bánh bông lan bán ở siêu thị, bánh nào cũng có vị ngon riêng (hẳn người mẹ trẻ cũng biết).

Hơn nữa, chiếc bánh bị đánh rơi kia còn ngon hơn một phần bởi tấm lòng thơm thảo của người tặng. Có nhiều cách để vỗ về con.

Thế thì chọn chi cách từ “khen” chuyển sang “chê” như vậy! Những lời nói của người mẹ trẻ phải chăng đã thể hiện cách sống của một người “không có, không được thì không ưa”? Quan trọng hơn là những lời nói đó rất dễ “định hình” luôn cách sống của đứa trẻ sau này.

Đúng là, chúng ta phải biết từ bỏ những thứ không thuộc về mình dù đã rất cố gắng nhưng không thể đạt được. Nhưng, từ bỏ không có nghĩa là quay sang ghét và khinh.

Ai cũng có riêng mình những mục tiêu để phấn đấu! Ai cũng có cho mình những đam mê và sở thích riêng. Nhưng không phải ai cũng đạt được những kế hoạch đã đề ra.

Thất bại là điều rất tồi tệ. Nhưng biết chấp nhận thất bại thì đã là một nửa thành công cho dự định tiếp theo. Con người hơn nhau không phải ở địa vị, không phải ở trình độ mà hơn nhau là ở cách sống. Sống là không che đậy cho sự nản chí và nhất quyết không lừa dối chính bản thân mình!

NHƯ Ý