"Thế giới tươi sáng, hãy cứu lấy thị giác của bạn"

Cập nhật, 11:36, Thứ Sáu, 17/03/2023 (GMT+7)

 

BS.CK2 Lương Hữu Thiện khám mắt cho bệnh nhân Nguyễn Thị U.
BS.CK2 Lương Hữu Thiện khám mắt cho bệnh nhân Nguyễn Thị U.

Đây là chủ đề của Tuần lễ Bệnh Glocom thế giới năm nay. Theo thống kê, số lượng người bị mù lòa do bệnh Glocom đứng thứ hai sau bệnh lý đục thủy tinh thể. Điều nguy hiểm ở chỗ hiện bệnh không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật cũng không thể phục hồi được những tổn thương do bệnh Glocom gây ra.

Do vậy, ngành y tế khuyến cáo người dân cần kiểm tra mắt định kỳ để được phát hiện sớm và cứu lấy thị giác của mình trước khi quá muộn.

Nhiều trường hợp mù vĩnh viễn vì bệnh Glocom

Nhức mắt, nặng mắt, mờ mắt… là tình trạng ai cũng có thể gặp nhưng lại nghĩ đó chỉ là tình trạng thoáng qua, không mấy để tâm. Song, đôi khi những triệu chứng này có thể là dấu hiệu sớm của bệnh Glocom (còn gọi là bệnh cườm nước hay thiên đầu thống)- nguyên nhân gây mù lòa cao thứ 2 trên thế giới chỉ sau đục thủy tinh thể.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Mắt Trung ương, cả nước có hơn 380.000 người bị mù hai mắt, trong đó có hơn 24.000 người bị mù lòa do bệnh Glocom (chiếm 65% và đứng thứ hai sau bệnh lý đục thủy tinh thể 66,1%).

Bệnh Glocom thực sự là mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh Glocom trong cộng đồng là một yêu cầu mang ý nghĩa thực tiễn rất cao trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo BS.CK2 Lương Hữu Thiện- Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt Vĩnh Long, hiện chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ bệnh nhân (BN) bị Glocom tại tỉnh. Song, bệnh nguy hiểm ở chỗ không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật cũng không thể phục hồi được những tổn thương chức năng và thực thể do bệnh Glocom gây ra.

Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn còn chưa biết nhiều về bệnh, tự ý điều trị và thường đến bệnh viện khi bệnh tình đã trở nên quá nặng, nhiều trường hợp bị mù vĩnh viễn.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh Glocom như việc sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa chất kháng viêm corticoid lâu dài, cận thị, đái tháo đường, cao huyết áp và di truyền... Song, người mắc bệnh Glocom không có triệu chứng rõ ràng và nhiều khi nhầm lẫn với những bệnh khác.

Mới đây, bà Nguyễn Thị U. (Phường 1, TP Vĩnh Long) đến BV Mắt tỉnh để khám. BS Hữu Thiện cho biết: “Mắt trái BN bị mù vĩnh viễn do Glocom thứ phát vì biến chứng của đục thủy tinh thể. Nay mắt phải của BN yếu, giảm thị lực có xuất hiện võng mạc do biến chứng của bệnh tiểu đường. BN cần phải điều trị nội khoa để duy trì thị lực”.

Một trường hợp khác, bà Phạm Thị H. (56 tuổi, xã Phú Lộc, Tam Bình) cũng chỉ được chẩn đoán Glocom thứ phát khi đến BV khám. Trước đó gần một năm bà tự lấy thuốc điều trị viêm xoang do thấy đau đầu, nhức nửa mặt, nhức 2 hốc mắt và thị lực giảm.

Nên khám mắt định kỳ

Glocom là bệnh mãn tính do tình trạng nhãn áp tăng gây tổn thương thần kinh thị giác, làm giảm thị lực, thậm chí mất thị lực hoàn toàn. Đặc biệt, bệnh nguy hiểm do không có một loại thuốc hay phẫu thuật nào có thể làm phục hồi những tổn thương chức năng và thực thể do Glocom gây ra.

Theo BS Hữu Thiện, những trường hợp BN bệnh Glocom do phát hiện muộn nên việc điều trị không thể giúp hồi phục thị lực đã mất mà chỉ ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác.

“Bệnh Glocom cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một phương pháp điều trị triệt để, chưa thể chữa khỏi được. Song, có thể kiểm soát được bệnh với điều kiện phải đi khám và phát hiện kịp thời, có những giai đoạn điều trị bằng thuốc, có giai đoạn phải điều trị bằng laser và cuối cùng điều trị bằng phẫu thuật.

Có những trường hợp được phẫu thuật ổn định một thời gian, sau đó có thể bị lại, do vậy việc thăm khám định kỳ cũng như chế độ điều trị và theo dõi của bác sĩ là điều rất quan trọng trong việc điều trị chức năng thị giác”- BS Hữu Thiện nói. Bác sĩ lưu ý, người dân cần đi khám mắt định kỳ từ 2- 4 năm/lần với người dưới 40 tuổi; từ 2- 3 năm/lần với người từ 40- 60 tuổi; từ 1- 2 năm/lần với người sau 60 tuổi.

Phó Giám đốc BV Mắt tỉnh- Lương Hữu Thiện khuyến cáo, bệnh Glocom đặc biệt dễ bộc phát ở những người trên 40 tuổi, những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và những người có người thân mắc bệnh Glocom, viễn thị, mắt có tiền căn chấn thương hoặc phẫu thuật mắt…

Do vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh này là theo dõi nhãn áp thường xuyên, và nếu trong nhóm nguy cơ cao thì nên đi khám mỗi năm một lần. Đối với những người có bệnh tiểu đường, cao huyết áp thì nên kiểm tra mắt 6 tháng một lần. Đặc biệt, BN cần tránh tình trạng tự ý mua thuốc nhỏ mắt mỗi khi gặp vấn đề về mắt mà cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh Glocom thường khởi phát đột ngột vào buổi chiều tối, khi BN đang cúi xuống đọc sách hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh. Biểu hiện: Mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, giác mạc phù nề mờ đục...

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG