Nên ăn bao nhiêu đường ngọt mỗi ngày?

Cập nhật, 01:29, Thứ Ba, 14/03/2023 (GMT+7)

Hội chứng xơ gan có thể gây ra do nghiện rượu bia, nhưng cũng có thể do chế độ ăn quá thừa đường. Bệnh gan nhiễm mỡ không do cồn (bệnh NASH) là nguyên nhân hàng đầu cần ghép gan, biến chứng xơ gan, ung thư gan.

Chế độ ăn lành mạnh, giảm thiểu đường thêm vào sẽ hạn chế được nhiều bệnh tật - Ảnh minh họa
Chế độ ăn lành mạnh, giảm thiểu đường thêm vào sẽ hạn chế được nhiều bệnh tật - Ảnh minh họa

Vậy tại sao đường gây gan nhiễm mỡ? Nên ăn bao nhiêu đường mỗi ngày?

25% số người bị gan nhiễm mỡ không do cồn, rượu

Bác sĩ Đào Ngọc, Phòng khám dinh dưỡng thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết gan nhiễm mỡ là tình trạng dư thừa mỡ trong gan. 

Bình thường gan của chúng ta cũng có một lượng mỡ nhất định. Gan nhiễm mỡ là khi lượng mỡ trong gan vượt quá 10% trọng lượng của gan. Có hai loại gan nhiễm mỡ: gan nhiễm mỡ không do rượu và gan nhiễm mỡ do rượu.

Gan nhiễm mỡ sẽ có lượng enzyme gan tăng cao hơn bình thường. Gan nhiễm mỡ thường xuất hiện ở người lớn nhưng hiện nay người ta lại thấy xu hướng xuất hiện ở trẻ em, thậm chí là trẻ rất nhỏ. 

Trước năm 2006, các bác sĩ vẫn không tìm thấy nguyên nhân vì sao có một số lượng lớn trẻ em bị gan nhiễm mỡ. Những nghiên cứu gần đây đã tiết lộ fructose là nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ không do rượu. 

Toàn cầu hiện nay có khoảng 25% người lớn bị gan nhiễm mỡ không do rượu. Những nguy cơ của gan nhiễm mỡ ngày càng trầm trọng thêm vì mọi người có xu hướng sử dụng nhiều fructose - một loại đường có cả trong tự nhiên và được sử dụng trong các loại nước ngọt và phần lớn thực phẩm chế biến sẵn, gây ra thiếu hụt cholin, tăng cân, tiểu đường.

Bác sĩ Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhấn mạnh việc uống nhiều nước ngọt, uống nước có gas cũng như nước uống có cồn không tốt cho gan. Hiện nay, người ta đã chứng minh được hội chứng xơ gan có thể do rượu bia nhưng cũng có thể do bệnh gan nhiễm mỡ không do cồn (bệnh NASH = Nonalcoholic steatohepatitis). 

Đây còn được gọi là bệnh gan mỡ nguyên nhân do ăn không cân bằng và quá thừa đường (fructoz). Bệnh là nguyên nhân hàng đầu cần ghép gan ở Mỹ.

Bác sĩ Trần Thu Nguyệt phân tích, chất fructoz công nghiệp dưới dạng siro bắp, có mặt trong nước ngọt, nước uống có gas, một số bánh ngọt công nghiệp, bánh gatô nguy hiểm hơn nhiều so với chất fructoz trong trái cây vì trong đó còn có chất xơ và nhiều chất khác. 

Cơ thể con người không có khả năng tiêu thụ quá nhiều đường. Trong trường hợp ăn thừa đường, gan biến đổi fructoz thành chất béo triglycerid, gan dần dần thừa mỡ, gây hậu quả xấu.

"Khi các tế bào gan chứa quá nhiều mỡ, cơ thể phản ứng tạo viêm, biểu hiện bởi hiện tượng nang xơ ở gan. Nếu không thay đổi cách ăn uống, gan tiếp tục phát triển trở nên cứng dần và sau 10 - 20 năm, nang xơ gan sẽ biến thành xơ gan

Quá trình nhiễm độc gan còn trầm trọng hơn nếu bệnh nhân thiếu hoạt động cơ thể: ngồi lỳ, xem tivi, ăn đồ ăn vặt, uống nước ngọt...", bác sĩ Trần Thu Nguyệt nhấn mạnh.

Đường phá hủy gan trẻ qua sữa mẹ

Bác sĩ Đào Ngọc cảnh báo các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những nguyên nhân đơn lẻ gây ra gan nhiễm mỡ, tình trạng này xuất hiện ngày càng phổ biến ở những người có yếu tố nguy cơ cao chẳng hạn như tiểu đường type 2 hoặc tiền tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, béo phì tuổi trung niên, tăng huyết áp, giảm cân nhanh, viêm gan, gan tiếp xúc với các độc tố, đã từng cắt bàng quang.

Sự khác biệt giữa gan nhiễm mỡ đơn và gan nhiễm mỡ thông thường là sự phá hủy các tế bào gan, tăng nguy cơ xơ gan tiến triển và ung thư gan.

Đường fructose có thể đi vào cơ thể trẻ nhỏ qua sữa mẹ. Một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên những trẻ có gene biến thể sử dụng lượng đường cao để xem liệu việc giảm fructose và đường nói chung có làm giảm tỉ lệ mắc gan nhiễm mỡ hay không. 

Nghiên cứu khám phá ra việc tiêu thụ nhiều siro ngô nhiều fructose (HFCS), đây là chất làm ngọt xuất hiện trong các loại nước giải khát và phần lớn thực phẩm chế biến sẵn truyền qua sữa mẹ vào trẻ, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ và béo phì

Bình thường lactose là nguồn carbonhydrate chính trong sữa mẹ, nhưng lợi ích của chúng sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn của mẹ.

Fructose khi vào trong cơ thể sẽ phá hủy gan tương tự như rượu gây phá hủy gan và rối loạn chuyển hóa. Fructose cũng gây ra rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, đặc biệt là những chất chuyển hóa qua gan, nhanh hơn bất cứ loại đường nào khác.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra nếu trẻ tiếp xúc với loại đường này sớm sẽ tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 và gan nhiễm mỡ không do rượu. Fructose liên quan đến việc làm tồi tệ thêm tình trạng insulin và dung nạp đường. Chúng cũng làm gia tăng tình trạng dự trữ mỡ, đặc biệt là phần bụng.

Nên dùng bao nhiêu đường?

Các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cho biết lượng đường thêm vào tối đa một ngày với nam giới là 150 calo (khoảng 37,5g hoặc 9 muỗng cà phê đường), với phụ nữ là 100 calo (khoảng 25g hoặc 6 muỗng cà phê đường).

Có 2 loại đường là đường thêm vào và đường tự nhiên. Đường tự nhiên có trong các loại thực phẩm như trái cây, rau quả, gạo, ngũ cốc là thực phẩm có chứa nước, chất xơ và các vi chất dinh dưỡng khác. 

Đường thêm vào là thành phần chính trong kẹo và trong nhiều loại thực phẩm chế biến như nước ngọt và bánh. Đường thêm vào phổ biến nhất là đường thường (sucrose) và siro ngô fructose. Muốn tối ưu hóa sức khỏe và giảm cân cần tránh các loại thực phẩm chứa đường thêm vào.

Theo HÀ LINH/TTO