Tích cực khống chế bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật, 16:35, Thứ Sáu, 02/09/2022 (GMT+7)

Dù Vĩnh Long đã triển khai nhiều biện pháp khống chế bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhưng số ca mắc vẫn tiếp tục tăng. Ngành y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan khi bị sốt, vì rất nhiều trường hợp mắc SXH chuyển tiến nặng do chậm đến cơ sở y tế điều trị.

Nhân viên Trạm Y tế xã Thanh Đức- Long Hồ phun hóa chất diện rộng tại nơi có nhiều ca mắc bệnh và xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ.
Nhân viên Trạm Y tế xã Thanh Đức- Long Hồ phun hóa chất diện rộng tại nơi có nhiều ca mắc bệnh và xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ.

Chủ động diệt lăng quăng

Bên cạnh tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, ngành y tế tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các địa phương có nhiều ca mắc bệnh và xuất hiện nhiều ổ dịch SXH nhỏ, nhằm diệt muỗi trưởng thành và đang mang mầm bệnh. Song, đây chỉ là biện pháp tạm thời, quan trọng nhất trong phòng chống dịch SXH là người dân phải chủ động diệt lăng quăng bằng cách lật úp hoặc che đậy kín các dụng cụ chứa nước trong gia đình, phòng tránh muỗi đốt.

Chú Nguyễn Văn Khoa (thị trấn Long Hồ) cho biết: “Cán bộ y tế có tới từng nhà vận động bà con bỏ những vỏ chai, lật úp vỏ dừa, đậy nắp lu khạp; vệ sinh xung quanh nhà, phun thuốc diệt muỗi diện rộng”. Ngành y tế cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, cơ số thuốc để thu dung điều trị các trường hợp mắc bệnh. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ Nguyễn Thị Ngọc Bích, bệnh SXH đang gia tăng số ca mắc, ngành y tế đang tích cực phòng chống bệnh. Ngành triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh như: Diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi diện rộng, tập trung ở các khu vực trọng điểm; giám sát xử lý ổ dịch. Đồng thời, các xã, người dân cùng triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường để diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Công tác giám sát ca bệnh và xử lý ổ dịch SXH nhỏ cũng được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, trung bình mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận trên 160 trường hợp mắc bệnh SXH và khoảng 40 ổ dịch SXH nhỏ. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ghi nhận gần 2.000 trường hợp mắc bệnh SXH, xử lý trên 460 ổ dịch SXH nhỏ, tăng gấp 4,5 lần về số ca mắc và ổ dịch nhỏ so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các trường hợp bệnh nặng chiếm tỷ lệ khá cao.

Muỗi sống tại các khu vực gần với nơi loài người sinh sống và muỗi truyền bệnh đẻ trứng tại những nơi có nước đọng (các lu, chai lọ, chậu, rác thải, vỏ dừa, vỏ xe…). Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng. Do đó, để phòng bệnh, cơ quan y tế khuyến cáo người dân cần lưu ý thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước. Khi thay nước cần chà rửa kỹ thành vật chứa và thực hiện định kỳ mỗi 5- 7 ngày 1 lần.

Không chủ quan với bệnh SXH

Nhận định của ngành chuyên môn, các trường hợp mắc bệnh SXH năm nay diễn biến rất khó lường, số ca mắc tăng kéo theo số ca bệnh nặng cũng tăng và tỉnh đã có 2 trường hợp tử vong do SXH.

BS.CK1 Huỳnh Cẩm Huy- Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An- Loan Trâm, cho biết: “Bệnh SXH diễn biến trong 7 ngày, trong 3 ngày đầu sốt liên tục. Năm nay, bệnh diễn biến khó lường. Trong 3 ngày đầu thường không diễn biến nặng mà ngày thứ 3- 6 khả năng diễn biến nặng nhiều. Đối với trẻ em, trong 3 ngày đầu, phải theo dõi sát khi trẻ có dấu hiệu lừ đừ, đau bụng, ói, phải đi khám ngay để điều trị kịp thời”.

Ngành y tế dự báo, thời tiết mưa nhiều tới cuối năm sẽ tạo thuận lợi cho tác nhân truyền bệnh SXH phát triển. Vì vậy, số ca mắc SXH sẽ khó khống chế tuyệt đối nếu không có sự chủ động, can thiệp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và đặc biệt là người dân.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả được khuyến cáo hiện nay vẫn là diệt muỗi, lăng quăng. Người dân cần chung tay cùng ngành y tế loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết, xóa môi trường sinh sản của muỗi và diệt muỗi, lăng quăng để bảo vệ sức khỏe, khống chế căn bệnh nguy hiểm này.

Đặc biệt là không được chủ quan khi bị sốt cao liên tục mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán điều trị kịp thời, vì nhiều trường hợp mắc SXH diễn tiến rất khó lường. Lưu ý, người dân không được tự ý dùng thuốc, truyền dịch chưa đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

BS.CK2 Văn Công Minh- Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành y tế chủ động giám sát các ổ dịch ở địa phương chặt chẽ để phát hiện ổ dịch xử lý ngay, không để lây lan. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân có ý thức cùng với cộng đồng và ngành y tế đảm bảo không có muỗi, không có lăng quăng, không có SXH. Ngành tổ chức tập huấn cho cơ sở để thu dung điều trị những trường hợp phát hiện SXH và đảm bảo cơ số thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc SXH nặng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN