Sức khỏe và thuốc lá

Cảnh báo ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử

Cập nhật, 22:01, Thứ Năm, 18/08/2022 (GMT+7)

Thông tin từ Bệnh viện 199 (Bộ Công an), một nam thanh niên 18 tuổi bị ngộ độc thuốc lá điện tử vừa được các bác sĩ xử trí cấp cứu kịp thời. Vụ việc trên, một lần nữa cho thấy mối nguy hại khó lường của thuốc lá điện tử.

Sau khi hút thuốc lá điện tử, nam thanh niên bị hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, tay chân run sau đó hôn mê, ngay lập tức được gia đình đưa vào Bệnh viện 199 để cấp cứu.

Qua thăm khám, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu nhưng không rõ tinh dầu và chất được bơm bên trong là gì. Sau một ngày điều trị theo phác đồ ngộ độc, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe.

Hiện nay, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam đang trẻ hóa, đặc biệt ở lứa tuổi thích khám phá, muốn thử những thứ lạ và muốn khẳng định bản thân qua hình ảnh khói thuốc.

Theo TS. bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên- Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngoài nicotine có thể gây hại cho não bộ của các bạn trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, trong thuốc lá điện tử có thể còn các thành phần khác. “Mỗi thời điểm, thuốc lá điện tử lại được điều chế ra các loại có mùi vị khác nhau, thay đổi liên tục, không đoán định được”- bác sĩ nói.

Các chất đốt cháy đều có thể gây ung thư, đặc biệt là làm tổn thương phổi. “Thuốc lá điện tử chứa vitamin E- khi đốt cháy sẽ gây tổn thương phổi. Việt Nam cũng đã phát hiện loại thuốc lá điện tử có vitamin E này. Thuốc lá điện tử có thể còn gây tác hại hơn nhiều thuốc lá truyền thống. Nguy hiểm nhất là các chất thay đổi liên tục. Bên cạnh đó, không ít loại được cho các chất ma túy vào để làm tăng cảm giác phê và nghiện”- Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin.

Cũng theo bác sĩ, những chất này gây ảnh hưởng đến rối loạn tâm thần, chính là cảm giác “phê”. Sau đó, chúng gây hàng loạt ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh và nhiều cơ quan trong cơ thể.

Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân không nên hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên để tránh những nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Nếu thấy người bệnh sau khi hút thuốc lá điện tử có cử động chậm chạp, ở trạng thái lơ mơ, có dấu hiệu ngộ độc hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Theo điều tra từ quỹ phòng chống tác hại thuốc lá- Bộ Y tế, tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam cao gấp 8 lần tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá truyền thống, tập trung nhiều nhất vào phụ nữ dưới 30 tuổi. Một lý do khiến cho ngày càng nhiều phụ nữ sử dụng thuốc lá điện tử là do sự thay đổi của lối sống hiện đại.

MAI ANH

Các tin khác: