Chủ động phương án ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

Cập nhật, 21:58, Thứ Sáu, 05/08/2022 (GMT+7)

 

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi.Ảnh: Internet
Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi.Ảnh: Internet

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ song nhiều quốc gia trong khu vực đã có ca bệnh. Điều này đặt cho hệ thống y tế cần có sự chủ động quyết liệt hơn, làm sao đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch đi trước, chủ động tình huống xảy ra trong quá trình chống dịch.

Chuẩn bị tâm thế ứng phó dịch là cần thiết

Tại hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, bà Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ song nhiều quốc gia trong khu vực đã có ca bệnh. Ngay như Ấn Độ đã có bệnh nhân tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. “Chúng ta phải có các biện pháp để ngăn chặn ngay từ cửa khẩu với bệnh đậu mùa khỉ”- bà Đào Hồng Lan nói.

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Thời gian ủ bệnh 6- 13 ngày (dao động từ 5- 21 ngày) người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Bệnh hiện đang lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng tới các quốc gia khác. WHO nhận định nguy cơ mắc bệnh trên toàn cầu ở mức trung bình (riêng khu vực Châu Âu ở mức nguy cơ cao).

Đến nay, thế giới đã ghi nhận 21.000 ca mắc tại 78 nước và 7 ca tử vong, trong đó đã có trường hợp tử vong bên ngoài khu vực lưu hành của bệnh (Tây Ban Nha, Brazil). Số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), bệnh đậu mùa khỉ biểu hiện trên da rất sớm và dễ thấy, tuy nhiên rất dễ nhầm lẫn với thủy đậu hoặc các bệnh ngoài da. Vì vậy, các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường cảnh giác, phát hiện các trường hợp nghi ngờ, đồng thời phối hợp với các cơ sở tuyến dưới tập huấn, điều trị khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên.

Sẵn sàng các điều kiện ứng phó

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, trước nguy cơ cao bệnh đậu mùa khỉ có thể thâm nhập vào Việt Nam, ngày 29/7, Bộ Y tế đã có quyết định ban hành hướng dẫn chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 1/8, Bộ Y tế đã tập huấn về chẩn đoán và điều trị bệnh này cho các địa phương và các cơ sở y tế. “Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về điều trị, cách ly, các phương tiện cần thiết, có thuốc và các vật tư phương tiện giúp điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó là phòng lây nhiễm và bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế”- ông Trọng Khoa cho biết.

Theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đối với đậu mùa khỉ hầu hết các ca bệnh đều nhẹ, tuy nhiên có một số trường hợp sẽ có một số biến chứng. Trong phân tuyến điều trị, Bộ Y tế lưu ý tuyến xã, phường, quận, huyện có thể cách ly, điều trị các ca bệnh nhẹ, không nhất thiết phải đưa lên Trung ương hay tuyến tỉnh. Đối với tuyến xã, huyện quản lý các ca nhẹ, tạm thời hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để điều trị, có thể chuyển viện khi có biến chứng trong nhóm nguy cơ cao. Đối với tuyến tỉnh, Trung ương cần tăng cường cảnh giác phát hiện các trường hợp nghi ngờ với các bệnh nhân đến khám.

Do Việt Nam chưa có ca nhiễm nên việc chẩn đoán bệnh hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm quốc tế, các địa phương cần cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm từ các ca bệnh nặng, tử vong (nếu có) tăng cường công tác giám sát các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo yêu cầu sẵn sàng.

Các biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây nhiễm đậu mùa khỉ

- Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).

- Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm vi rút đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh.

- Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/ động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.

- Thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các quy định để có biện pháp xử trí phù hợp.

- Phòng bệnh đặc hiệu bằng vắc xin: Sử dụng vắc xin để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

- Phòng lây nhiễm tại các cơ sở điều trị: Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly các trường hợp bệnh nghi ngờ, có thể và xác định. Tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc người bệnh.

 

THÚY QUYÊN