Cần khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết

Cập nhật, 09:03, Thứ Sáu, 15/07/2022 (GMT+7)

 

Người lớn mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Người lớn mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo ngành y tế tỉnh Vĩnh Long, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp SXH nặng và tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, tỉnh ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH.

Không nghĩ người lớn mắc SXH

Bệnh SXH hiện nay không chỉ ở trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng dễ mắc. Thực tế có không ít người lớn cho rằng SXH là bệnh thường xảy ra ở trẻ em nên có tâm lý chủ quan, khi có triệu chứng sốt thường tự điều trị tại nhà mà không đến bệnh viện khám bệnh.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Thu Trang- Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, chỉ tính 10 ngày đầu tháng 7/2022, khoa tiếp nhận gần 40 ca mắc SXH ở người lớn, tăng gần 5 lần so với tháng trước.

Chị Huỳnh Trung Thảo (27 tuổi, xã Bình Phước- Mang Thít), mệt mỏi kể chị mắc bệnh SXH nhưng đến ngày thứ 5 vô bệnh viện mới phát hiện ra bệnh. “Những ngày trước đó, tôi sốt cao, đau đầu... nghĩ mình bị sốt cảm lạnh thông thường do mắc mưa nên đi ra hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt, đau đầu về uống. Uống mấy ngày vẫn không hạ sốt, lạnh run, mệt quá mới đi bệnh viện khám và được nằm viện do mắc SXH”- chị Thảo cho biết.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Thu Trang, ở người lớn, thể lâm sàng của SXH ở thể bệnh nhẹ, triệu chứng của người bệnh thường là sốt cao đột ngột 39- 40 độ C, sốt kéo dài và khó hạ. Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác nhau như đau đầu, đau hốc mắt dữ dội. Xuất huyết có thoát huyết tương ra ngoài, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn gây suy tạng, rối loạn đông máu. Nếu người lớn bị SXH thì cũng phải lưu ý những dấu hiệu cảnh báo có thể dẫn đến chuyển nặng như bệnh nhân có những rối loạn về tri giác, vật vã, li bì; bệnh nhân đau bụng tăng lên; ngoài xuất huyết dưới da thì bệnh nhân có xuất huyết niêm mạc, chảy máu mũi, xuất huyết tạng…

Đặc biệt, cần lưu ý các trường hợp bệnh ở người già, người có nhiều bệnh nền, người suy giảm miễn dịch hoặc người có tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan nặng có sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm có chứa corticoid… thì bệnh xuất huyết cũng sẽ biểu hiện rõ nét hơn. Lưu ý, bệnh nguy hiểm hơn đối với các thai phụ vì dễ ảnh hưởng đến huyết động học. Do đó, nếu người bệnh thấy các biểu hiện như đau đầu, sốt cao, đau nhức cơ thể… kéo dài 2 ngày không đỡ thì không tự mua thuốc điều trị mà cần đi bệnh viện khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong.

Trẻ thừa cân, béo phì dễ bị sốc SXH

Tính đến trung tuần tháng 7/2022, toàn tỉnh ghi nhận trên 760 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong đó, trẻ em chiếm trên 50% số ca mắc. Đáng chú ý, tại các cơ sở y tế, số ca mắc nhập viện từ 10 ngày đầu tháng 7 tăng gần bằng số ca mắc trong tháng 6, trong đó các ca bệnh nặng chiếm hơn 5% so với ca mắc, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Chí Công- Phó trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh, trong tháng 6, khoa ghi nhận 35 ca mắc SXH. Nhưng 10 ngày đầu tháng 7, khoa tiếp nhận 37 ca mắc, trong đó có 10 ca nặng cần truyền dịch, chống sốc. “Đáng lo ngại, có 4 ca trẻ thừa cân, béo phì diễn tiến rất nặng, tổn thương đa cơ quan phải chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 lọc máu điều trị”- bác sĩ Chí Công cho biết.

Theo bác sĩ Chí Công, các nghiên cứu cho thấy sốc SXH trên trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ suy hô hấp sớm. Việc điều chỉnh dịch truyền cho trẻ cũng khiến bác sĩ gặp nhiều khó khăn vì phải hiệu chỉnh cân nặng của trẻ sao cho phù hợp, tránh truyền quá tải dịch cũng như dễ dẫn đến sốc kéo dài, biến chứng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận. “Năm nay đúng chu kỳ của dịch bệnh SXH, khi trẻ mắc sốt từ 2 ngày trở lên phải đưa đến khám tại các cơ sở y tế để đánh giá xem có phải SXH không, kịp thời theo dõi mỗi ngày. Những dấu hiệu nhận biết trẻ em bị SXH, trẻ chuyển nặng như: đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn nhiều, lừ đừ, bứt rứt, vật vã, SXH bất thường ở da, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết âm đạo (trẻ gái)...”- bác sĩ Chí Công lưu ý.

SXH diễn tiến qua 3 giai đoạn

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh- cho biết bệnh SXH ở người lớn và trẻ em thường diễn tiến qua 3 giai đoạn, trung bình 7 ngày.

Cụ thể:

* Giai đoạn sốt (ngày 1- 3): Người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39- 40 độ C đột ngột, kèm đau nhức đầu, toàn thân, mỏi cơ, buồn nôn, chán ăn. Uống thuốc hạ sốt khó giảm.

* Giai đoạn hết sốt (ngày 3- 6, nhiều nhất là ngày 4- 5): Triệu chứng sốt giảm hẳn, phần lớn người bệnh thấy dễ chịu hơn, giảm đau nhức. Khoảng 10- 20% cảm thấy hết sốt nhưng người mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn là chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi cầu ra máu, tay chân lạnh... Đây là triệu chứng của vào sốc. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong.

* Giai đoạn hồi phục (sau ngày 6- 7): Nếu trước đó không vào sốc, người bệnh sẽ hết sốt hoàn toàn, không còn mệt mỏi, đau bụng, ăn ngon miệng hơn, da có thể ngứa và nổi mảng đỏ hồi phục. Qua được 7 ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ ổn.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN