Hãy nói không với thuốc lá!

Cập nhật, 06:07, Thứ Sáu, 28/05/2021 (GMT+7)

 

Nhiều người vẫn điềm nhiên hút thuốc lá nơi công cộng.
Nhiều người vẫn điềm nhiên hút thuốc lá nơi công cộng.

(VLO) Hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và trung bình người hút thuốc lá sẽ tử vong sớm hơn 10 năm so với người không hút thuốc và gần 1/3 số ca tử vong liên quan đến bệnh tim mạch, khoảng 90% ca ung thư phổi liên quan đến thuốc lá,…

Gánh nặng bệnh tật từ thuốc lá khó có thể đong đếm, dù hút thuốc là hành động có ý thức của con người, có thể ngăn chặn; song bất chấp lời cảnh báo, mỗi năm người dân Việt Nam tiêu tốn hơn 31.000 tỷ đồng cho việc mua thuốc lá và 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Gánh nặng bệnh tật do khói thuốc lá

Ai cũng biết rằng hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe; song do sự chủ quan của một số người, nên tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.

Nhiều người ngồi quán cà phê, quán ăn, thậm chí hành lang nơi công sở… vẫn vô tư phì phèo thuốc lá. Ai hút mặc ai, khói thuốc lá cứ bay vô tội vạ.

Người không hút vẫn phải bị hít. Không chỉ gây hại cho bản thân người hút, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh.

Ai cũng sợ ung thư, đột quỵ… nhưng nhiều người vẫn quá điềm nhiên với khói thuốc lá- thủ phạm chứa gần 70 chất gây ung thư và hàng ngàn chất độc khác gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim,…

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã chụp mạch vành và can thiệp đặt stent thành công cho nam bệnh nhân (BN) 27 tuổi ở Trà Ôn (Vĩnh Long) bị nhồi máu cơ tim cấp với những biểu hiện đau ngực, kèm khó thở.

Huyết áp BN đo được 110/70 mmHg, da niêm hồng, không phù ngoại biên, tim đều, nhanh, phổi không ran, bụng mềm. Trước đó, sáng cùng ngày, khi đang làm phụ hồ cho một công trình gần nhà, BN có dấu hiệu đau ngực, kèm khó thở nên được đưa vào BV.

Theo điều tra bệnh án được biết, BN hoàn toàn chưa có bệnh lý tim mạch, tiền sử không có bệnh lý liên quan. BN mới chuyển sang nghề phụ hồ khoảng 5 tháng, thường xuyên hút thuốc lá khoảng 1 gói/ngày trong 9 năm.

Dù từ trước đến nay, BN không có yếu tố nguy cơ tim mạch nhưng với thói quen này, các bác sĩ nhận định có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc bệnh tim nguy kịch. BN được can thiệp cấp cứu thành công một stent mạch vành. Triệu chứng đau ngực của BN thuyên giảm ngay sau khi được can thiệp.

Những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang điều trị tại Khoa Phổi Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long phần lớn cũng do thời gian dài hút thuốc lá.

Mỗi năm cả nước có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và có khoảng 10% dân số có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch…. do hậu quả của thuốc lá.

Ông Lương Văn Năm (Phường 4- TP Vĩnh Long) lo lắng: “Tui bị ho ra máu, vô viện cầm được máu rồi. Bác sĩ nói do hút thuốc lá nhiều ảnh hưởng về tim mạch rối loạn dây thần kinh và ho ra máu cho nên tui khuyên ai hút thì cố gắng bỏ thuốc đi. Sức khỏe giờ quý lắm!”.

Theo các bác sĩ, những người có nguy cơ mắc COPD thông thường là BN nam giới có độ tuổi trên 40 và có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào.

Bên cạnh đó, cũng có một số ít những BN là nữ giới và không chỉ những BN hút thuốc chủ động mà cả những trường hợp hút thuốc thụ động cũng mắc bệnh. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường, khói bụi nghề nghiệp, hít phải khói từ bếp rơm, rạ cũng là yếu tố nguy cơ khởi phát và làm tiến triển bệnh COPD.

Hãy nói không với thuốc lá!

Theo PGS. Phan Thu Phương- Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai- chia sẻ mỗi ngày có tới 100 người Việt Nam chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Thuốc lá gây nhiều bệnh lý từ đầu đến chân người hút thuốc lá chủ động hay thụ động, các bệnh dễ gặp ở nhóm này là rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim mạch, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như ung thư mũi, miệng, lưỡi, họng, thanh quản…

Dù hút thuốc lá được nhìn nhận là thói quen gây nghiện. Từ bỏ một thói quen vốn giúp ta giải sầu, thư giãn trong thời gian dài đối với người nghiện thuốc là quá khó. Nhiều BN sau khi đối mặt với “án tử” được bác sĩ cứu trị kịp thời thì họ từ bỏ được thuốc lá. Song, với nhiều trường hợp thì đã quá muộn!

Hãy từ bỏ thuốc lá trước khi quá muộn! Thời gian qua, tại tỉnh Vĩnh Long, không ít đơn vị thực hiện thành công việc nói không với thuốc lá trong đơn vị, cơ quan.

Cần lấy sức mạnh của tập thể văn minh, việc lãnh đạo đơn vị quyết tâm từ bỏ thuốc lá để làm gương cho đơn vị là điều rất cần thiết.

Đồng thời, cần có những quy định nghiêm ngặt nơi công sở, cùng việc động viên để họ từ bỏ thói quen hút thuốc, để toàn thể nhân viên được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá.

Việc cai thuốc lá thành công hay không phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của người hút. Muốn thành công trong cai thuốc lá, tự họ phải quyết tâm tránh xa môi trường khói thuốc lá; nếu không thì rất dễ tái nghiện.

Hút thuốc lá là thói quen do chính chúng ta tạo nên và để thay đổi thói quen này tuy là điều không hề dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể tự mình thực hiện mà không cần đến sự vào cuộc của các ngành chức năng. Hãy thay đổi nhận thức ngay từ bây giờ, để tự cứu lấy sức khỏe của chính chúng ta, và những người thân trong gia đình, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn!

Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc tại nơi làm việc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ em trong độ tuổi đi học là con của những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh hen suyễn của họ trở nên trầm trọng hơn. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ tiến triển từ nhiễm lao tiềm ẩn sang bệnh lao hoạt động.

Thuốc lá giết chết 8 triệu người mỗi năm, trong đó có 1 triệu nạn nhân vô tội do hút thuốc thụ động. Hút thuốc thụ động là mối đe dọa sức khỏe phổi đối với mọi người - không chỉ người hút thuốc.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN