Hiểu đúng về tiêm vắc xin COVID-19

Cập nhật, 21:52, Thứ Sáu, 26/03/2021 (GMT+7)

 

Chị Mỹ Phương (Biên tập viên Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương) vừa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 vào ngày 18/3.
Chị Mỹ Phương (Biên tập viên Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương) vừa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 vào ngày 18/3.

Vắc xin COVID-19 ra đời kết hợp với thực hiện “5K” sẽ giúp chúng ta đủ sức khống chế dịch bệnh, cuộc sống sớm trở lại bình thường. Có như vậy, cuộc chiến chống COVID-19 mới thành công.

Tác dụng phụ là phản ứng thông thường

Theo Bộ Y tế, công tác tiêm chủng được thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ là ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và vùng dịch. Đồng thời, việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ tiêm chủng, bảo quản vắc xin, khám sàng lọc, giám sát phản ứng sau tiêm, cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng… cũng được các địa phương chuẩn bị rất cẩn thận để công tác tiêm chủng đạt hiệu quả và an toàn.

Bộ Y tế cho hay tiêm vắc xin là đưa kháng nguyên từ mầm bệnh để kích thích hệ miễn dịch và phát triển miễn dịch đặc hiệu chống lại mầm bệnh mà không gây ra bệnh liên quan đến mầm bệnh. Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng đáp ứng, tạo ra miễn dịch của cơ thể sau khi tiêm vắc xin để phòng bệnh. Đa số phản ứng này là nhẹ, rất hiếm phản ứng nặng (hội chứng nhiễm độc, hội chứng sốc phản vệ).

Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng- Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm chủng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Thông tin về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Việt Nam, cũng như sử dụng thuốc hay các loại vắc xin khác, vắc xin phòng COVID-19 có thể có những phản ứng không mong muốn, bao gồm phản ứng thông thường như các phản ứng tại chỗ đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân như sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn). Ngoài ra có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong.

Tính đến chiều 24/3, Việt Nam có trên 40.000 người được tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca tại 16 tỉnh- thành. Trong đó, chỉ có 1/5 số trường hợp bị phản ứng thông thường sau khi tiêm. Số phản ứng nặng chỉ có 5 người ở độ 2 của phản vệ và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý và đều đã ổn định sức khỏe.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế- cho biết, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi. Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tiếp tục thực hiện “5K” và tiêm phòng COVID-19

Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng vắc xin cũng được khuyến cáo sử dụng cho các nhóm đối tượng từ 65 tuổi trở lên, nhóm người mắc bệnh nền...

Trước khi tiêm chủng người dân cần cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình sức khỏe của bản thân để cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng phù hợp.

Với một số người, việc được tiêm mũi tiêm đầu tiên là sự vui mừng và tự hào khi được quan tâm và ưu tiên sử dụng, một số người khác thấy lo lắng bởi vắc xin còn quá mới. Chị Mỹ Phương (Biên tập viên Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Dương) cũng vừa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 vào ngày 18/3.

Chị chia sẻ: “Lúc tiêm cũng chỉ đau chút xíu như tiêm ngừa thông thường thôi. Trước, trong cũng như sau tiêm mình được các y- bác sĩ tại CDC hướng dẫn rất kỹ lưỡng, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết. Sau tiêm 30 phút, mình thấy bình thường, không sốt hay mệt gì hết nên đã được cho về, tự theo dõi sức khỏe trong 24 giờ và 7 ngày tiếp theo”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dù độ bảo vệ của vắc xin AstraZeneca không đạt 100%, nhưng người tiêm nếu có mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn, không dẫn đến tử vong. Đó là điều quan trọng nhất với mỗi cá nhân tiêm chủng.

Hiện tại, vắc xin Pfizer có hiệu lực bảo vệ trên 90%, Moderna hiệu lực bảo vệ 94% nhưng vắc xin AstraZeneca chỉ có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2. Sau khi tiêm mũi thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại vi rút ngay mà cần phải đến mũi thứ hai.

Trong khoảng thời gian giữa mũi tiêm thứ nhất và thứ hai vẫn phải coi như người chưa được tiêm vắc xin. Do hiệu lực bảo vệ không đạt 100% nên song song tiêm vắc xin vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp “5K”.

Hơn 14 tháng qua thật sự là thời gian quá dài và khó khăn, vất vả đối với tất cả chúng ta- những người ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 cũng như mọi người dân. Vắc xin COVID-19 không tuyệt đối an toàn cho tất cả mọi người nhưng sẽ bảo vệ người được tiêm và cả cộng đồng trước đại dịch. Mong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ngừa COVID-19 sẽ sớm được triển khai rộng rãi trong cộng đồng và chúng ta sẽ đẩy lùi được đại dịch!

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải bao phủ vắc xin trên 70% dân số. Nhưng, do số lượng vắc xin còn ít nên phải ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao trước. Hơn nữa, sau tiêm vắc xin, chưa hẳn đã có miễn dịch ngay trong khi SARS-CoV-2 đang có nhiều biến thể. Chúng ta cũng không thể chắc chắn rằng mầm bệnh đã sạch hoàn toàn trong cộng đồng nên để phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn cần phải thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K” (khẩu trang- khử khuẩn- khoảng cách- không tập trung- khai báo y tế”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN