Thuốc lá và sức khỏe

Một người hút thuốc... nhiều người chịu đựng

Cập nhật, 14:30, Thứ Năm, 26/12/2019 (GMT+7)

Bất chấp mọi lời cảnh báo, công sở, trường học, bệnh viện, các quán cà phê, nhà hàng, ở nhà,... thậm chí những nơi công cộng có gắn biển cấm hút thuốc lá, chúng ta đều có thể bắt gặp “những làn khói trắng” bay bay... Ai cũng sợ ung thư, đột quỵ, đột tử,… nhưng nhiều người vẫn thờ ơ, phớt lờ khói thuốc lá.

Thanh niên hút thuốc lá khiến những người muốn thưởng thức trà vỉa hè Hà Nội cũng phải e ngại.
Thanh niên hút thuốc lá khiến những người muốn thưởng thức trà vỉa hè Hà Nội cũng phải e ngại.

Theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, những nơi không được hút thuốc lá gồm: trong nhà và phạm vi khuôn viên bệnh viện, trạm y tế, trường học, nơi chăm sóc, vui chơi dành riêng cho trẻ em, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao, tại cơ quan, công sở, nơi làm việc; trường CĐ, ĐH, học viện, địa điểm công cộng…

Thế nhưng, qua quan sát thực tế người hút thuốc cứ vô tư hút ở những nơi này. Thuốc lá len lỏi ở công sở. Tại bệnh viện cũng không khó tìm thấy người hút thuốc. Tàn thuốc bỏ vào chậu cây, thùng rác, trên đường... lắm khi còn chưa kịp dụi tắt. Các hình thức phạt tài chính hiện ở mức 100.000- 300.000đ cho việc vi phạm khi hút thuốc ở những nơi cấm hút thuốc xem ra chẳng đủ để khiến ai ngừng lại một giây đắn đo trước khi đốt thuốc nơi công cộng. Và, ai sặc khói thuốc cứ sặc, ai thèm thuốc cứ rít.

Giá mà chế tài của nước ta rạch ròi, mạnh tay như ở Singapore, Úc, Đài Loan, Anh... Vì sao công dân các nước khác chấp hành nghiêm chỉnh các điều luật? Bởi họ nhẩm tính số tiền phải nộp phạt lên đến vài ngàn/triệu đồng (đơn vị tiền tệ của nước sở tại), vài tháng lao động công ích, lý lịch xấu... thì không đáng để thỏa mãn cơn thèm thuốc ở chốn bị cấm.

Hút thuốc lá thụ động có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư gan, nhiễm khuẩn hô hấp... Khói thuốc lá được cấu tạo từ hỗn hợp khí, bụi và có chứa khoảng 7.000 chất hóa học. Khói thuốc đã bị Cơ quan Quốc tế nghiên cứu về ung thư IARC thuộc WHO xếp vào các chất gây ung thư hạng 1.

Theo cảnh báo của ngành chuyên môn, khói thuốc lá có thể ảnh hưởng trong phạm vi từ 7-10m và các chất độc hại bám lại trên bề mặt đồ đạc phải mất đến 6 tháng mới phân hủy hoàn toàn và sẽ ngấm vào cơ thể nếu tiếp xúc qua da cũng như hô hấp.

Nguy hại của thuốc lá ai cũng biết nhưng mặc kệ. Không ít người vẫn cứ thờ ơ, chỉ khi nào đứng giữa lằn ranh giữa cái chết và sự sống; phải chiến đấu để giành giật lại sự sống thì mới nhận ra những tác hại khôn lường của khói thuốc lá. Khi còn sức khỏe thì những hậu quả mà làn khói thuốc lá mang đến gần như đều bị phớt lờ, thậm chí nhiều người ông, người cha, người anh trong gia đình vẫn cứ thản nhiên phì phèo thuốc lá ngay trước mặt con cháu của mình.

Đừng bỏ mặc và nghĩ thói quen hút thuốc lá không từ bỏ được. Gia đình, người thân, đồng nghiệp và cả cộng đồng cần động viên những người nghiện thuốc lá hãy từ bỏ thuốc lá ngay lập tức.

Bởi, chẳng ai vì bỏ thuốc mà chết. Song những người hút và đặc biệt là không hút vẫn có thể tổn hại sức khỏe hoặc chết sớm trong môi trường khói thuốc. Do vậy, mỗi người cần kiên quyết hơn trong việc xây dựng một môi trường không khói thuốc để chúng ta có cuộc sống bền lâu.

Bài, ảnh: MAI ANH