Tiền sản giật- bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ

Cập nhật, 13:28, Thứ Sáu, 18/11/2016 (GMT+7)

Tiền sản giật là 1 trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm nhất (băng huyết sau sinh, tiền sản giật- sản giật, vỡ tử cung, nhiễm trùng hậu sản và uốn ván rốn trẻ sơ sinh) có thể gây tử vong cho mẹ bầu và thai nhi.

Để mẹ tròn con vuông, các sản phụ cần được kiểm tra thai kỳ và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Để mẹ tròn con vuông, các sản phụ cần được kiểm tra thai kỳ và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Do vậy, khi mang thai, sản phụ cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra triệu chứng này, cách phòng tránh và điều trị tích cực để đảm bảo sức khỏe của mẹ và con.

Tiền sản giật là một chứng bệnh chỉ xuất hiện trong lúc thai nghén và thường xảy ra vào cuối thai kỳ với biểu hiện đặc trưng là tăng huyết áp, phù mặt, nước tiểu có đạm (protein)...

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Linh- Phó Giám đốc Bệnh viện quốc tế Phương Châu (TP Cần Thơ), thai phụ bị tiền sản giật khi được chẩn đoán khi huyết áp >140/90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương >90mmHg kèm theo có protein trong nước tiểu xảy ra sau 20 tuần.

Một biến chứng quan trọng của sản phụ có thể gặp là hội chứng HELLP, nó biểu hiện tăng men gan, kháng huyết, giảm tiểu cầu làm rối loạn đông máu thai phụ. Đây là một biến chứng rất nặng gây nguy hiểm tính mạng người mẹ.

Trên thai nhi, nếu mẹ bị tiền sản giật, có thể dẫn đến thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung, thiểu ối, dễ tăng nguy cơ sinh non.

Mang thai ở tuần thứ 30, chị Mai Anh (31 tuổi, Phường 2- TP Vĩnh Long) bị phù nhẹ ở mặt, tay chân. Đi thăm khám thai, chị được bác sĩ cho biết huyết áp chị cao và cần được theo dõi thường xuyên.

Đến tuần thứ 34, chị cảm thấy người nặng nề, mệt mỏi, chóng mặt và khó thở, tay chân mặt bị phù rất nhiều, bác sĩ chỉ định chị phải nhập viện liền để điều trị bệnh lý tiền sản giật.

Chỉ cần mổ lấy thai, chấm dứt thai kỳ sớm thì huyết áp của chị sẽ ổn định. Chị nhập viện điều trị với bệnh án tiền sản giật, thai to, dư ối, tiểu đường thai kỳ, dọa sinh non.

Các bác sĩ chuyên khoa sản Bệnh viện quốc tế Phương Châu đã hội chẩn và quyết định cố giữ cho huyết áp hạ xuống, cố gắng giữ thêm ngày để bé ở trong bụng mẹ khi sinh ra được khỏe hơn.

Song, huyết áp của chị cứ lên xuống thất thường, đến ngày thứ 12 thì huyết áp tăng vọt lên 190/130, đe dọa tính mạng của cả mẹ và con.

Vì thế, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai ở tuần thứ 36, khi đó các bác sĩ nhi khoa đã đợi ngay trong phòng mổ để sẵn sàng cấp cứu cho bé. May mắn ca mổ của chị thành công, mẹ tròn con vuông. Sau khi mổ, huyết áp của chị ổn định và em bé của chị khỏe mạnh.

Giữa tháng 8/2016, bệnh nhân tên T.K.T. (34 tuổi, TP Cần Thơ) nhập viện với chẩn đoán mang thai lần 2, thai 36 tuần 2 ngày, ngôi mông, thiểu ối, tiền sản giật nặng- hội chứng HELLP.

Bệnh nhân đã được Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ điều trị tích cực và chấm dứt thai kỳ, mổ lấy thai được 1 bé gái, cân nặng 2,3kg. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Linh, nguyên nhân của tiền sản giật- sản giật chưa được biết rõ nhưng ghi nhận có tình trạng co thắt toàn bộ tiểu động mạch do đó gây thiếu máu các cơ quan: não, tim, mắt, phổi, gan, thận,… dẫn đến hậu quả của bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, nặng nhất là tử vong.

Nếu sản phụ không được điều trị kịp thời có thể diễn tiến đến co giật, hôn mê, phù phổi cấp, suy tim cấp hoặc xuất huyết não gây tử vong.

Để dự phòng tiền sản giật- sản giật, thai phụ cần theo dõi khám thai định kỳ thật đều đặn; luôn đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu định kỳ. Thai phụ không nên ăn mặn; bổ sung cho cơ thể nguồn thực phẩm giàu vitamin C, D và các loại chất chống ôxy hóa khác.

Chú ý tránh các yếu tố thuận lợi đưa đến tiền sản giật như: không có con quá sớm hoặc quá muộn, nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên ăn quá mặn, không làm việc nặng nhọc, quá sức.

Khi có cao huyết áp cần theo sự hướng dẫn điều trị và chăm sóc của các bác sĩ và nữ hộ sinh. Khi nằm viện, cần chú ý theo dõi các dấu hiệu tiền sản giật nặng. Khi có một trong các dấu hiệu nêu trên phải báo ngay cho nhân viên y tế để được điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe của mẹ và con.

Bất kỳ người phụ nữ khỏe mạnh nào mang thai cũng có thể bị tiền sản giật, tuy nhiên tiền sản giật sẽ thường gặp ở các nhóm đối tượng như cá nhân hoặc gia đình có tiền sử tiền sản giật; mang thai lần đầu, mang thai khi còn quá trẻ hoặc ngoài 40 tuổi; người mẹ béo phì, đa thai; cao huyết áp hoặc có bệnh tiểu đường. Do vậy, nếu sau 20 tuần thai phụ có dấu hiệu tăng cân nhanh; phù mắt, phù toàn thân hoặc chúng ta cảm giác thấy mặt hơi no no, chân phù lên kèm với triệu chứng hoa mắt, chóng mặt; đau thượng vị hoặc đau ở vùng hạ sườn phải thì sản phụ nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa để điều trị kịp thời. Đối với những sản phụ đã có tiền sử bị hội chứng HELLP, khi muốn có tiếp tục có thai, nhất thiết phải được tư vấn và theo dõi, kiểm tra bởi các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG