Xen mùa, bệnh hô hấp, tiêu hóa tăng...

Cập nhật, 06:46, Thứ Sáu, 24/05/2013 (GMT+7)


Thời điểm giao mùa, trẻ rất dễ bị mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa và các bệnh truyền nhiễm theo chu kỳ như sốt xuất huyết, tay chân miệng...

“Bệnh vặt” ở trẻ cao

Tại phòng cho bệnh nhi tay chân miệng tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, chị Đặng Thị Tân (Phường 5- TP Vĩnh Long) dỗ dành đứa con trai 19 tháng tuổi đang bức bối bực bội khóc nhè. Nhập viện tối 19/5, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh tay chân miệng. Độ nhẹ, nhưng vẫn nhập viện để theo dõi điều trị. Bàn chân cháu đã hiện khá rõ những chấm lấm tấm đỏ.

Bà Nguyễn Thị Hồng (Lộc Hòa- Long Hồ) đang ẵm cháu ngoại Phạm Tấn Lộc (12 tháng tuổi) đợi vào khám tại Khoa Nhi. “Cháu nó đã đỡ nóng hơn hôm qua rồi, nhưng cũng phải cởi bỏ áo ra, rồi đi tới đi lui cho thoáng tí, rồi quạt, lâu lâu lại chườm khăn nước nóng”- bà Hồng phân trần. Theo bà Hồng, cháu Lộc nhập viện hôm 19/5 do bị sốt nóng, nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Ông Ba Hoàng (Tân Hội- TP Vĩnh Long) đang chờ đến 15 giờ 30 ngày 20/5 nhận giấy xuất viện cho cháu ngoại Võ Văn Lạc Lạc (16 tháng tuổi). Cháu Lạc nhập viện với triệu chứng sốt, ói, tiêu chảy, nay ra viện là đúng 5 ngày.
 
“Tui thấy kiểu bệnh của trẻ bây giờ lạ và bất ngờ quá. Thời tiết bất thường, gió mái nắng mưa có khi không còn theo mùa nữa, người lớn còn đau ốm chứ nói chi con nít”- ông Ba Hoàng ta thán.


Tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có đủ các bệnh lý lúc giao mùa mà trẻ gặp phải.

Một cháu gái 7 tháng tuổi bị sốt siêu vi, đang ngủ mê mệt trên tay mẹ, cạnh bên bà ngoại tay liên tục phe phẩy quạt.

Gia đình này từ xã Hòa Bình lên nhập viện hôm 19/5. Một cháu trai 19 tháng tuổi mắc tay chân miệng nhẹ, nhưng cũng nhập viện theo dõi lúc 19 giờ cùng ngày. Một cháu trai 24 tháng tuổi sốt, vào bệnh viện cùng thời điểm trên, và “bác sĩ dặn sau 5 giờ đồng hồ cho uống 1 lần 1/2 viên thuốc và theo dõi tiếp”...

Quanh quẩn tại đây, thấy nhiều gương mặt lo lắng, trên tay là các bệnh nhi vài ba tháng đến vài tuổi, người ẵm kẻ bồng đi đi lại lại,... đợi đến lượt vào khám bệnh. Có đủ các loại bệnh, có đủ bệnh nhân đến từ các địa phương trong tỉnh và vào bệnh viện bất kỳ lúc nào.

Bác sĩ chuyên Khoa II Phan Văn Năm– Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho biết mỗi ngày khoa khám trung bình 200 bệnh nhi tại các bàn khám nhi, nhập viện khoảng 120 ca/ngày. Bệnh sốt xuất huyết cũng 5- 7 ca/ngày. Sốt xuất huyết, thủy đậu, quai bị thì dù số mắc ít, trên phạm vi tỉnh số ca mắc giảm, nhưng ghi nhận lại có một số ca diễn biến phức tạp.

Vào “mùa”... bệnh theo mùa

Thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, tháng 4/2013 trung bình có 1.064 lượt bệnh nhân/ngày đến khám chữa bệnh. Số này của tháng 5 – trong thời điểm giao mùa và bắt đầu vào mùa mưa– tăng một chút, với 1.133 lượt bệnh nhân/ngày. Các số liệu này cũng tương đương so cùng kỳ, không tăng hay giảm đột biến.


Cháu bé 12 tháng tuổi phải được cởi trần để “hạ nhiệt”cơ thể.

Theo bác sĩ chuyên Khoa I Nguyễn Thị Thu Hà– Trưởng Phòng Kế hoạch– Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, xét về lý thuyết, thời điểm chuyển mùa thường xuất hiện các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa và một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Nhưng có thể nói, đến hiện tại vẫn không có đột biến hay dấu hiệu khác thường về tình hình bệnh tật. “Tính chất các bệnh lý của địa phương diễn biến không khác biệt và phức tạp như một số địa phương khác”- bác sĩ Thu Hà lý giải.

Bác sĩ Phan Văn Năm thông tin thêm: Lúc giao mùa, các bệnh hay gặp nhất là bệnh về hô hấp cấp (cảm, ho, sổ mũi...), tiêu chảy cấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa...

Với bệnh tay chân miệng, theo các bác sĩ nhi khoa thì “diễn biến ca mắc vẫn còn nhiều và bệnh chuyển sang độ nặng còn cao”. Sốt xuất huyết bắt đầu tăng trở lại. Do vào thời điểm giao mùa, nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa ở trẻ cao, người dân đôi khi chủ quan nên dễ dẫn đến “bỏ sót” bệnh lý sốt xuất huyết ở trẻ. Nếu có sự nhầm lẫn này, bệnh sốt xuất huyết chuyển độ nặng cao do phát hiện trễ.

Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo phụ huynh luôn theo dõi chăm sóc trẻ, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng, sinh hoạt,... để giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại thời điểm “mẫn cảm” lúc giao mùa.

Bài, ảnh: MINH THÁI