Phòng bệnh tay chân miệng: Cần sự hợp tác từ phía người dân

Cập nhật, 11:35, Thứ Sáu, 27/04/2012 (GMT+7)

Bài, ảnh: BÙI THANH

Từ đầu năm đến nay, bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh liên tục xuất hiện với gần 500 ca mắc bệnh (tăng gấp đôi so cùng kỳ) và có 1 ca tử vong. Mặc dù ngành y tế, các địa phương và ban ngành liên quan đã vào cuộc tích cực. Song, vẫn còn một số người dân thờ ơ.


Giữ gìn vệ sinh cho trẻ, rửa tay thường xuyên là cách phòng bệnh TCM tốt nhất.

Xin chớ thờ ơ

Chị Nguyễn Thị Dung (Tân Bình- Bình Tân) khi thấy con nổi các mụt nước ở tay liền chở ra trạm khám và phát hiện bệnh TCM. Chị liền đưa con lên bệnh viện tỉnh điều trị. Hỏi thăm các kiến thức về bệnh, chị nói “biết hết vì nghe đài phát hoài”. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi có rửa tay bằng xà phòng không, chị lắc đầu: “Lo làm tối ngày cũng quên chuyện đó, hôm bữa có chú y tế ấp đến phát tờ giấy chỉ cách phòng bệnh nhưng để lạc đâu mất rồi”.

Trường hợp này không cá biệt, khá nhiều người vẫn còn thờ ơ như chị Dung. Anh Từ Ngọc Sơn, cán bộ y tế ấp Tân Trung (xã Tân Bình- Bình Tân) cho biết: “Hầu như ai cũng biết, nhất là những người có con nhỏ nhưng việc phòng bệnh theo hướng dẫn thì có người làm, người không”. Cũng theo anh Sơn, Trạm y tế đi phát tờ rơi và hướng dẫn người dân thực hiện nhưng sau đó hỏi lại thì những người thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chị Lê Thị Xếch- Trưởng Trạm Y tế xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) cho biết: “Người dân chỉ rửa tay với nước sạch thôi, còn với xà phòng thì rất ít. Một số lo chuyện làm ăn nên cũng ít quan tâm đến chuyện vệ sinh. Do vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân từ từ”. Theo một cán bộ ngành y tế, chính sự thờ ơ của một số người dân mà, không chỉ bệnh TCM thôi mà công tác phòng chống các loại dịch bệnh khác cũng gặp khó.

Cần sự hợp tác của các cấp, các ngành

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, bệnh TCM liên tục xuất hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện gần 500 ca mắc bệnh, 1 ca tử vong. Hiện bệnh có ở hầu hết các địa phương, trong đó các huyện Long Hồ, Tam Bình, Vũng Liêm… có số ca mắc nhiều nhất. Theo ghi nhận của ngành y tế, bệnh TCM xuất hiện nhiều trong cộng đồng và trường học, nhất là nhà trẻ, mẫu giáo, các trường tiểu học và hầu hết xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi.

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống bệnh. Sở Y tế chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát cũng như chuẩn bị đủ vật tư, hóa chất để phòng, chống bệnh. Mới đây, tỉnh tổ chức lễ phát động phòng chống bệnh TCM để nâng cao ý thức của người dân. Tại buổi lễ, ngành có “liên quan” nhiều nhất với căn bệnh này là ngành giáo dục đã cam kết phối hợp làm tốt công tác phòng chống bệnh. Ông Lưu Thành Công- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết: “Ngay từ khi bệnh xảy ra và có khả năng lan rộng, ngành đã chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, đồ chơi của trẻ theo khuyến cáo của ngành y tế. Đồng thời, giao trách nhiệm các thầy cô theo dõi sát học sinh để sớm phát hiện bệnh và cách ly kịp thời”.

Ông Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, ngành đã tăng cường tuyên truyền, giám sát đồng thời xác lập cơ chế trao đổi thông tin với các bệnh viện và trường học, nhằm khống chế và xử lý ca bệnh. Đồng thời, kêu gọi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, như rửa tay thường xuyên với xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt, những người chăm sóc trẻ cần thực hiện 3 sạch: ăn sạch, ở sạch, đồ chơi của trẻ cũng phải sạch. Theo ngành y tế, Vĩnh Long đã có trường hợp tử vong do bệnh TCM và qua xét nghiệm do virus EV71 gây ra, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM. Do vậy, ngoài sự chủ động của ngành y tế, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các địa phương để tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân. Đặc biệt, từng người dân cần nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe của con em mình, gia đình mình và cộng đồng.

TAM BÌNH: Một trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng

Trong tháng 4/2012, huyện Tam Bình phát hiện mới 7 trường hợp trẻ em mắc bệnh TCM. Trong đó có 5 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long và 2 trường hợp phát hiện tại Trường Mẫu giáo Măng Non xã Hòa Lộc. Nhà trường đã cho học sinh nghỉ học một tuần từ 16- 20/4. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Tam Bình xảy ra 58 trường hợp trẻ em mắc bệnh TCM, tỷ lệ tăng khá cao so năm 2011. Đặc biệt, có 1 trường hợp ở xã Loan Mỹ đã tử vong.

UBND huyện Tam Bình chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Y tế, Phòng GD- ĐT phối hợp UBND các xã– thị trấn tổ chức chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh TCM nói riêng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; là trách nhiệm chung của toàn xã hội; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Trung tâm Y tế huyện Tam Bình tổ chức phun hóa chất xung quanh khuôn viên các trường xuất hiện bệnh TCM. Đồng thời phun hóa chất tại gia đình trẻ em mắc bệnh ra xung quanh bán kính 100m để khống chế dịch bệnh lây lan, kéo dài. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Tam Bình còn cung cấp thuốc Cloramin B cho gia đình để sát khuẩn sàn nhà, vật dụng phòng chống bệnh TCM.

KIM CƯƠNG (Tam Bình)