Chuyện các nàng dâu

Cập nhật, 06:55, Thứ Sáu, 09/12/2022 (GMT+7)
Phụ nữ sống chung một nhà cần nhất là phải thông cảm, mở lòng để đón nhận nhau thì mới vui vẻ hạnh phúc.Ảnh minh họa
Phụ nữ sống chung một nhà cần nhất là phải thông cảm, mở lòng để đón nhận nhau thì mới vui vẻ hạnh phúc.Ảnh minh họa

Mối quan hệ giữa các nàng dâu trong một gia đình luôn rất nhạy cảm. Nếu không khéo cư xử, giải quyết tốt vấn đề thì rất dễ dẫn đến “náo loạn”.

Gia đình cô M.H. có hai người con trai đều đã lập gia đình và sống chung một nhà với vợ chồng cô. Cô M.H. rất đau đầu và buồn phiền vì hai cô con dâu không hợp tánh nhau, không hòa thuận được với nhau. Từ mọi chuyện sinh hoạt hàng ngày trong nhà đến những vấn đề lớn nhỏ gì của gia đình hai con dâu đều không cùng ý kiến, ai cũng giành phần phải cho mình. Tuy không gây cãi gì lớn tiếng ồn ào đến xung quanh nhưng không khí trong nhà bị ảnh hưởng rất nhiều. Hai người con trai thì đi làm suốt có khuyên bảo cũng qua loa không cương quyết được với vợ mình. Cô M.H. không chịu nổi đã vài lần nói chuyện với hai con dâu rồi còn họp cả nhà để nói chuyện. Xong rồi thì tình hình cũng có thay đổi, họ không “mặt lớn mặt nhỏ” với nhau thường xuyên như trước nhưng cũng không hoàn toàn hòa thuận sống vui vẻ với nhau được. Những lúc phải cùng nhau ăn cơm gia đình thì họ gượng gạo nói vài câu, những lúc khác thì họ cố tình tránh mặt nhau để yên ổn gia đình. Thấy vậy cô M.H. cũng hết cách vì hai người họ tánh không hợp nhau không thể ép buộc mà thân thiết được. Nếu có điều kiện cô sẽ cho họ ra riêng.

Không sống cùng nhau nhưng hai cô con dâu hiện đại có trình độ, có địa vị xã hội của cô T.L. cũng không hề “yêu thương” nhau như người thân một nhà được. Vì đều là mẫu phụ nữ giỏi giang mạnh mẽ, cái tôi lớn và rất sĩ diện. Họ thường “cạnh tranh ngầm” với nhau về mọi thứ, từ việc nhà cửa, sắm sửa vật chất, xe cộ, việc học hành con cái hay việc phụng dưỡng chăm lo cho gia đình chồng họ đều ganh đua không ai chịu thua ai. Không thường gặp nhau nhưng mỗi dịp họp mặt gia đình, lễ tết có gặp nhau ngồi chung mâm cơm với nhau họ cũng không niềm nở gì, chỉ chào hỏi qua loa cho phải phép. Không khí gia đình cũng ngột ngạt, khách sáo vì họ.

Trong gia đình, anh em ruột hòa thuận thì không khí trong nhà luôn vui vẻ, nhưng nếu mối quan hệ giữa chị em dâu không tốt thì khó tránh khỏi những chuyện khó xử, có khi trở thành những hệ lụy nặng nề.

Nếu anh em rể thường xuề xòa vui vẻ thì ngược lại chị em dâu chẳng mấy khi hòa thuận, hợp tánh, chân thành mà đối xử với nhau. Chị em dâu thường bất hòa do nhiều nguyên nhân, như sự khác biệt về hình thức, về xuất thân gia đình, về địa vị xã hội, lợi ích kinh tế, giáo dục con cái hay sự phân bì tình thương của cha mẹ, vấn đề phân công công việc trong gia đình…

Nhiều chị em bạn dâu thường thì dù sống chung nhà cũng có tâm lý “thủ riêng” cho mình, họ không hoàn toàn hết lòng với gia đình chồng mà có tâm lý ỷ lại, tị nạnh nhau. Họ luôn muốn có cuộc sống riêng nên chỉ lo dành dụm tạo tài sản riêng, đùn đẩy chuyện chăm lo cho nhà chồng. Ngay cả khi sống riêng thì mối quan hệ giữa chị em dâu cũng ít khi tốt đẹp, hoàn hảo vì có nhiều sự cách biệt và hơn thua nhau.

Người xưa có câu “dĩ hòa vi quý”, nhường nhịn lẫn nhau sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa hai người. Mình đối tốt với họ thì ít nhiều họ cũng đối tốt lại với mình, từ đó bản thân cũng cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn. Chị em bạn dâu mỗi người nên tự ý thức xây dựng mối quan hệ tốt đẹp để giữ hòa khí trong gia đình, vì chồng mình cũng vì bản thân mình, có cuộc sống vui vẻ, không gút mắt trong lòng thì mới sống khỏe, hạnh phúc được.

Cho đi là nhận lại, mỗi người không nên tính toán quá chi li, không nên so sánh hơn thua, ganh đua với nhau từng chút một - chỉ thêm mệt mỏi. Đừng giận hờn và giữ trong lòng tâm lý ghét chị em bạn dâu của mình chỉ vì cô ấy được mẹ chồng thương hơn. Khi bạn rộng mở tấm lòng, nhìn nhận vấn đề nhẹ nhàng, xem đây chỉ là chuyện thường gặp của mọi gia đình, chính bạn sẽ thấy thoải mái và dễ thở. Hãy biết rằng, khi bạn thoải mái, mẹ chồng bạn và chị em dâu của bạn cũng sẽ thoải mái theo. Điều đó rất tốt cho mối quan hệ vốn đã khá nhạy cảm này.

Phụ nữ nên nghĩ rằng chị em bạn dâu là những người cùng hoàn cảnh, cùng phận phụ nữ như nhau thì sẽ dễ gần gũi, cảm thông và yêu mến nhau hơn. Hai chị em nên ngồi lại với nhau, lịch sự nhưng thẳng thắn trao đổi những vấn đề không bằng lòng về nhau như chăm sóc con cái, việc nhà... Nên có những quy tắc chung để tuân thủ và phải cùng có trách nhiệm với gia đình chung, phải có sự phân chia công việc cụ thể, bình đẳng, phù hợp với từng người và sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ chị em dâu bớt căng thẳng và từng bước được cải thiện.

Bên cạnh đó, vai trò của người chồng và cha mẹ chồng cũng rất quan trọng để cải thiện mối quan hệ tốt đẹp hơn. Người chồng phải vào cuộc, phải thấy được đúng sai, phải biết khuyên bảo, tâm sự với vợ mình, nhường nhịn nhau mà sống cho tốt. Mẹ chồng là người gần gũi với con dâu hơn thì phải công tư phân minh, bình đẳng với các nàng dâu, không được bên yêu bên ghét. Ai có công thì khen, ai có lỗi thì dạy bảo. Nếu gia đình nào cũng tuân thủ được như thế thì mọi chuyện sẽ êm ấm.

Vì thế, để tránh mâu thuẫn, những chị em bạn dâu nên tuân theo nguyên tắc tôn trọng hòa khí gia đình chung, tôn trọng cha mẹ chồng và một nửa của mình, thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau. Đây chính là những quy tắc để giúp các thành viên gắn bó với nhau hơn, giữ được sự đoàn kết trong đại gia đình.

Bài, ảnh: LAM NGỌC