Gia đình truyền thống mới

Cập nhật, 05:42, Thứ Ba, 28/06/2022 (GMT+7)

 

Bình đẳng giới là yếu tố xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Bình đẳng giới là yếu tố xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

(VLO) Gia đình truyền thống Việt Nam, bao hàm ý niệm gia tộc mang tính bền vững, truyền đời, trở thành nơi hội tụ, chốn quay về của lớp lớp cháu con. Qua mỗi giai đoạn, thành tố gia đình kiểu xưa cũng có nhiều biến đổi, linh động để phù hợp với từng thời đại, thời kỳ mới của xã hội.

Nhưng ý nghĩa nguyên thủy, mang giá trị tốt đẹp nhất của gia đình thì không hề thay đổi, thường được gọi là nếp nhà được lưu truyền bằng nhiều cách, mà nếp nhà càng có gốc rễ sâu bền, càng dễ nhận thấy thông qua những lớp hậu duệ và những ngôi từ đường lưu lại lời răn dạy của ông bà, tổ tiên.

Nơi lưu giữ nguồn cội

Cụ Nguyễn Văn Ngỡi (95 tuổi) ở phường Cái Vồn (TX Bình Minh).
Cụ Nguyễn Văn Ngỡi (95 tuổi) ở phường Cái Vồn (TX Bình Minh).

Đến thăm nhà cụ Nguyễn Văn Ngỡi ở TX Bình Minh, bước qua tuổi 95 nhưng tai mắt còn khá tinh tường, vui tính, ông sẵn sàng kể cho những người trẻ nghe về chuyện xưa, ngẫm ngợi những chuyện nay mà đối với người đã trải qua cuộc đời gần trăm năm, nó có sự biến đổi quá nhiều.

Nhưng giá trị gia đình vẫn là quan trọng nhất với bất kỳ ai, nó như cái tổ của con chim dù có đủ lông, đủ cánh bay xa cũng phải quay về nguồn cội.

Mà muốn gia đình luôn là cái tổ ấm, thì ông bà, cha mẹ phải là người nêu gương, sống nhân nghĩa ngoài xã hội, tạo nên mối dây thân tình, đoàn kết yêu thương trong gia đình, lưu truyền qua nhiều thế hệ trong gia tộc.

Cụ Ngỡi nói hồi xưa ông bà, cha mẹ mình cũng đã từng sống như thế, tới ông thì cả đời cũng sống y như vậy. Khi gia đình con cái đề huề, thì ông chuyên tâm lo chuyện xã hội, như san sẻ được phần nào hay phần đó với những hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều người ở xóm đều biết, giờ đã yếu chớ mới cách đây vài năm ông còn đi đến tận nơi khi có xây nhà, sửa nhà cho người nghèo. Ông lần mò trong túi áo móc ra một bọc tiền, khoe rằng con cháu đông đúc lắm khi đứa này, đứa nọ nhét tiền cho mà ông có xài chi đâu.

Ông để dành đó khi có đứa con, đứa cháu nào cần, sau là đóng góp ngoài xã hội. Ông nói tuổi già sống vậy là vui rồi.

Tuổi cao đức trọng, cụ Ngỡi trở thành tấm gương để cháu con nhìn vào đó noi theo và càng sống gắn kết, yêu thương hơn, khi anh em, họ hàng có ai khó khăn thì sẵn sàng cùng nhau xúm xít lại. Đó là giá trị cao đẹp, là sức mạnh của mỗi gia đình, gia tộc, góp vào sức mạnh chung của cộng đồng.

Vun bồi cội rễ vững bền

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thơ (bên phải)- Chủ tịch Hội Đông y TX Bình Minh- trong ngôi từ đường do cụ tổ là thầy thuốc, nhà Nho Nguyễn Quang Diệu gầy dựng, ở xã Tân Lược (Bình Tân), mà bác sĩ Thơ là hậu duệ đời thứ 5.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thơ (bên phải)- Chủ tịch Hội Đông y TX Bình Minh- trong ngôi từ đường do cụ tổ là thầy thuốc, nhà Nho Nguyễn Quang Diệu gầy dựng, ở xã Tân Lược (Bình Tân), mà bác sĩ Thơ là hậu duệ đời thứ 5.

Theo ông Trần Văn Thuận- Ban Quản lý xe chuyển bệnh từ thiện của Hội Đông y TX Bình Minh, thì có nhiều cụ cao niên ngoài 90 như cụ Ngỡi, hồi còn khỏe thì trực tiếp đến hội đóng góp tiền vận hành xe, khi các cụ yếu thì có người đến nhà nhận tiền.

Tháng nào quên không ghé thì các cụ nhắc trách móc sao lâu quá không thấy ghé. Các cụ chính là điểm sáng của những tấm lòng thiện nguyện, còn là linh hồn gìn giữ nếp nhà truyền thống.

Nói về nếp nhà truyền thống, cụ Ngỡi lại… khá thoáng: “Xã hội ngày một khác, mình già không đổi được, nhưng con cháu nó khác đâu thể nhứt nhứt như hồi xưa được con.

Ngay như chuyện giỗ quảy giờ cũng tùy theo hoàn cảnh có đứa làm việc, có đứa làm ăn xa, thì nên xí xóa, đừng bắt lỗi phải, không thôi mình chọn ngày nghỉ cho tiện con cháu. Quan trọng là có dịp để cháu con, dòng họ xúm lại là được rồi”.

Về xã Tân Lược (Bình Tân), dự đám giỗ cũng vào ngày cuối tuần, ngôi từ đường từ thời cụ Nguyễn Quang Diệu vốn là thầy thuốc, nhà Nho, đã trải qua đến đời hậu duệ thứ 6, tính ra cũng tròm trèm 200 năm, vẫn còn lưu lại những ý hướng, cách sống của người xưa và được nhiều thế hệ con cháu noi theo. Đó là cách sống biết ơn và tấm lòng bao dung, “tương thân, tương ái”.

Những lời răn dạy đó, được cụ tổ Nguyễn Quang Diệu ghi lại qua những bức hoành phi, những bức liễn lưu lại ngay trong ngôi từ đường. Trong đó, có những câu rất hay và lạ so với nhiều bức liễn thông thường khác. Đó chính là cội rễ bền vững của một nếp nhà.

Là thầy thuốc, nhà Nho ông muốn gầy dựng công đức như dòng chảy lưu mãi tiếng thơm cùng hậu thế (bức hoành phi “đức lưu phương”). Nhưng đặc biệt, là lời dặn dò cháu con phải biết sống bằng lòng thành tri ân tổ tiên, đất nước, cùng nhau vun bồi ngôi từ đường cũng chính là gìn giữ nếp nhà (4 chữ khắc gỗ “thành cảm dương đường”).

Dù xã hội có phát triển thế nào thì gia đình vẫn là thành tố vô cùng quan trọng đối với mọi người dân Việt Nam. Đặc biệt, những biến động khó lường như dịch bệnh, thiên tai mà cụ thể là đại dịch COVID-19 vừa qua, tất cả càng nhận thấy giá trị của tổ ấm gia đình, nơi con người có thể an tâm quay về trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Do đó, vun bồi gìn giữ nếp nhà vừa truyền thống, vừa hiện đại là trách nhiệm sống, cũng chính là gia cố nền tảng vững chắc cho cuộc đời mỗi người. Bất cứ khi nào khó khăn, chông chênh trong cuộc sống, gia đình sẽ là “bệ đỡ” để vượt qua nghịch cảnh và tiếp tục sống, tiếp tục vươn lên.

Mọi sự nỗ lực, quyết tâm làm việc cống hiến cho xã hội, chung quy cũng là hành trình mưu cầu hạnh phúc cho 2 tiếng “gia đình”.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG