Chăm sóc trẻ tuổi dậy thì

Cập nhật, 18:23, Thứ Năm, 26/05/2022 (GMT+7)

 

 Trẻ ở các độ tuổi có sự thay đổi khác nhau mà cha mẹ cần quan tâm chăm sóc, đồng hành cùng con.Ảnh minh họa
Trẻ ở các độ tuổi có sự thay đổi khác nhau mà cha mẹ cần quan tâm chăm sóc, đồng hành cùng con.Ảnh minh họa

Hiểu biết về tâm sinh lý con trẻ ở lứa tuổi dậy thì để chăm nom đúng cách luôn là vấn đề quan tâm của cha mẹ, nhưng không phải ai cũng dễ dàng nắm bắt để hiểu và đồng hành cùng con phát triển đúng hướng.

Khi nghe con trai 14 tuổi của mình nói chuyện điện thoại với cậu bạn cùng lớp rằng “hôm nay bạn gái mày không thuộc bài. Hai bây lo yêu không hén”, chị M.A. giật mình hoang mang và lập tức hỏi con. Cậu con trai cũng rất thản nhiên trả lời chị “bình thường mà mẹ, trong lớp con có mấy cặp đang quen nhau. Tụi con trưởng thành rồi mà”. Hơi ngỡ ngàng nhưng khi nhìn kỹ con trai thì chị cũng nhận ra là thằng bé đã cao hơn chị, đã vỡ giọng và bớt đùa giỡn như hồi trước. Chị hỏi con “thế con có bạn gái chưa”, thì con chị trả lời rằng chưa thấy cô bạn nào thích. Cả ngày chị M.A. cứ suy nghĩ mãi, thật lòng chị không muốn con yêu sớm để tập trung cho việc học, nhưng cũng biết rằng không nên cấm đoán mà phải đồng hành hướng dẫn cho con đi đúng đường. Tâm lý trẻ mới lớn nhất là con trai, chị cũng khó nắm bắt được. Vì thế chị quyết định tìm hiểu và yêu cầu chồng chị theo sát cùng con trai giai đoạn này để chia sẻ mọi điều.

Chị H.T. thì cũng nhận thấy con gái tuy mới 10 tuổi của mình đã có nhiều thay đổi. Bé biết xấu hổ ngại ngùng nhiều hơn, điệu đà hơn. Thích làm đẹp và rất rành về làm đẹp do bé thường lên mạng coi tiktok. “Có khi đi siêu thị, con gái dắt tôi tới lựa mặt nạ dưỡng da rồi sữa rửa mặt dành cho các bé gái. Tôi thấy con thành thạo mà cũng hơi lo. Không biết như vậy có tốt không, da bé còn non nớt mà đã bắt đầu chăm sóc làm đẹp liệu có làm hư da. Nhất là sợ con có những thay đổi xáo trộn trong tâm lý mà mình không nắm bắt được rồi xao nhãng chuyện học. Rõ ràng là bé đã biết nhận xét về các bạn nam cùng lớp, chê khen người khác... Vợ chồng tôi sẽ cố gắng để tìm hiểu và đồng hành cùng con lúc này”- chị H.T. chia sẻ.

Thường ở tuổi dậy thì các bé rất ít khi chia sẻ với ba mẹ các vấn đề mà mình thay đổi khi đến giai đoạn dậy thì. Có lẽ là ngại việc mình lớn hoặc một số lý do nào đó. Do vậy, bản thân ba mẹ phải là người quan sát và biết được khi nào trẻ đến độ tuổi dậy thì. Từ đó mới có thể biết cách chăm sóc trẻ dậy thì đúng cách. Mặc dù đã xác định được độ tuổi dậy thì theo giới tính, nhưng thực tế độ tuổi này không chính xác tuyệt đối. Vì bản thân mỗi bé sẽ có thời gian dậy thì khác nhau. Do đó, ba mẹ nên biết một chút kiến thức và sự thay đổi của bé khi bắt đầu hoặc trong giai đoạn dậy thì.

Xét về tâm sinh lý, độ tuổi dậy thì là độ tuổi bé thay đổi suy nghĩ cũng như tâm lý của mình rất nhiều. Điều này cực kỳ nguy hiểm nếu cha mẹ không lưu tâm cũng như không biết cách chăm sóc trẻ. Nếu chăm sóc sai cách hoặc bỏ mặc bé, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, cũng như cách suy nghĩ và cách sống.

Ở độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý của mỗi đứa trẻ có những biến động bất thường. Tâm hồn con nhạy cảm, tâm lý dễ tổn thương bởi những tác động nhỏ xung quanh. Thời điểm này, con có xu hướng thể hiện rõ cái tôi của bản thân hơn bằng những hành động tự quyết. Bạn cần dành thời gian quan tâm, để ý nhiều hơn để đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp với con mình. Bạn cũng phải thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con tránh xa các tệ nạn, các thói hư tật xấu. Bạn có thể đặt ra các quy định cho con nhưng cũng không nên quá cứng nhắc, không nên áp đặt cũng không được buông lỏng. Cha mẹ cần thảo luận cùng con, phân tích làm rõ các mặt lợi hại để con hiểu.

Thế hệ trẻ ngày càng có những xu hướng phát triển khác biệt với thế hệ trước, vì thế cha mẹ phải cập nhật kiến thức thường xuyên phù hợp với thời đại mới để có thể trò chuyện cùng con. Độ tuổi này trẻ thường muốn chứng minh bản thân, một chút nổi loạn theo trào lưu giới trẻ, tỏ rõ sự thu hút cá nhân để được mọi người quan tâm chú ý. Phụ huynh nên có cái nhìn thoáng hơn, chắt lọc để đồng ý một vài mong muốn thích hợp của con. Sự thưởng phạt rõ ràng của bạn khuyến khích trẻ năng nổ học tập, tích cực phấn đấu cho những ước mong của mình.

Ở lứa tuổi dậy thì, cơ thể của trẻ bắt đầu có những thay đổi. Chính vì vậy, ba mẹ cần chỉ cho con biết cơ thể sẽ có những thay đổi gì, tránh để bé rơi vào tình trạng khủng hoảng, lo sợ, bối rối không biết xử lý như thế nào. Đặc biệt, phụ huynh phải quan tâm chăm sóc về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho con ở lứa tuổi này để trẻ phát triển tốt, đúng chuẩn, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Tóm lại, ở giai đoạn này, các bậc cha mẹ có một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chăm sóc trẻ tuổi dậy thì. Có thể nói, sự chăm sóc và quan tâm của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành nên suy nghĩ và tính cách của con mình.

Bài, ảnh: LAM NGỌC