Vĩnh Long thực hiện giáo dục STEM trong trường tiểu học

Cập nhật, 11:42, Thứ Tư, 04/10/2023 (GMT+7)

 

Học sinh làm bài tập nhóm trong tiết học STEM.
Học sinh làm bài tập nhóm trong tiết học STEM.

STEM là mô hình giáo dục hiện đại, tích hợp kỹ năng cần thiết giúp học sinh phát triển, thông qua việc tổ chức các chuyên đề, trải nghiệm thú vị. Năm học 2023-2024, có 42 trường tiểu học Vĩnh Long triển khai áp dụng STEM hướng đến toàn tỉnh thực hiện vào năm học tới.

Chuẩn bị từ sớm, từ xa

Theo chuyên gia, STEM phù hợp với chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh được tiệm cận sớm với giáo dục trong thời đại mới và phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất.

Việc thay đổi môi trường giáo dục từ vui chơi ở bậc mầm non sang tiểu học ảnh hưởng nhiều đến học sinh bởi môi trường, cách học thay đổi khá đột ngột.

Từ vui chơi với nhiều hoạt động các em phải làm quen với việc ngồi nhiều giờ trong lớp học, phải chăm chú nghe giảng, phải học và làm bài tập nhiều hơn,… vô tình gây áp lực, căng thẳng cho học sinh.

Mô hình STEM được đưa vào chương trình tiểu học giúp các em vừa học vừa giải trí thông qua tích hợp lý thuyết với thực hành. Ứng dụng nhiều môn học, tiết học hấp dẫn hơn, khiến học sinh khắc sâu kiến thức hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, từ đầu tháng 5/2023, sở đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giáo dục STEM cấp tiểu học năm học 2023-2024, thí điểm ở 42 trường tiểu học trong tỉnh.

Trong đó, tập trung chỉ đạo hiệu trưởng xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong kế hoạch giáo dục nhà trường với hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục STEM; chỉ đạo tổ chuyên môn và giáo viên đưa nội dung giáo dục STEM vào kế hoạch môn học/hoạt động giáo dục, kế hoạch bài dạy; tổ chức sinh hoạt chuyên môn về giáo dục STEM; xây dựng các chủ đề STEM để tổ chức hình thức giáo dục STEM phù hợp.

Bên cạnh đó, sở cũng đã phối hợp chuyên gia giáo dục STEM của Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học. Đồng thời, thành lập tổ tư vấn triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tỉnh để trực tiếp tư vấn, hỗ trợ cho các trường thí điểm; tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh theo định kỳ để tạo điều kiện, môi trường cho cán bộ quản lý, giáo viên trao đổi, chia sẻ trong quá trình thực hiện.

Phòng GD-ĐT TP Vĩnh Long đã tham gia tập huấn đầy đủ, nhiều đợt cho giáo viên ở tất cả các trường, đặc biệt lưu ý các trường thực hiện giáo dục STEM trong năm học này.

“Có 5 trường tiểu học trong TP Vĩnh Long thực hiện thí điểm chương trình giáo dục STEM, từ khối 1 đến khối 4 và khuyến khích giáo viên khối 5 cùng thực hiện, chuẩn bị cho việc áp dụng chương trình này rộng rãi đến các trường tiểu học trong toàn tỉnh vào năm học 2024-2025 tới”- Bà Trương Ngọc Thủy- Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP Vĩnh Long cho hay.

Để STEM hiệu quả hơn

Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, năm học 2023-2024 thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học tiến tới từ năm học 2024-2025 thực hiện đại trà. Do đó, để thực hiện hiệu quả STEM, trước mắt, các trường được chọn thí điểm cần tiếp tục bám sát kế hoạch chỉ đạo của sở, cụ thể hóa triển khai ở đơn vị phù hợp với điều kiện thực tế.

Chia sẻ về STEM, cô Trần Lê Ánh Tuyết- giáo viên dạy lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Du, TP Vĩnh Long, nói: “Lần đầu tiên thực hiện một tiết dạy STEM, nên chưa hình dung được kế hoạch bài dạy như thế đã ổn chưa. Thêm vào đó, tiết học STEM là sự tích hợp nhiều môn, ví dụ Toán kết hợp Mỹ thuật và Công nghệ, do đó giáo viên đứng lớp cần kết hợp với những giáo viên bộ môn, có sự hỗ trợ đó mới hoàn thành tốt được”.

Góp ý về vấn đề chương trình khung, cô Đỗ Thị Mộng Thùy- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hiệp A (Trà Ôn), cho rằng: “Kế hoạch bài dạy các trường không cần giống nhau hoàn toàn mà tùy vào tình hình từng trường. Quan trọng là cần đảm bảo yêu cầu đề ra của tiết học, các bước thực hiện và sản phẩm là được”.

Cách học này cũng giúp học sinh năng động, tự tin hơn, hào hứng học và tham gia phát biểu ý kiến nhiều hơn.
Cách học này cũng giúp học sinh năng động, tự tin hơn, hào hứng học và tham gia phát biểu ý kiến nhiều hơn.

STEM đòi hỏi giáo viên đầu tư nghiên cứu tài liệu hướng dẫn của bộ, tham khảo các nguồn học liệu trên trang giáo dục STEM, thực hiện tốt việc xây dựng chủ đề, tổ chức đa dạng và hiệu quả hoạt động giáo dục với hình thức phù hợp hướng đến mục tiêu hiệu quả và chất lượng, tạo nền tảng tốt cho triển khai đại trà.

Cụ thể ở những tiết học, giáo viên Lê Quốc Tế- Trường Tiểu học Xuân Hiệp A, chia sẻ: “Tiếp cận vào tiết học theo hướng gợi mở cho học sinh, với tiết học STEM giáo viên chúng ta có nhiều thời gian hơn sẽ giúp các em hình thành ý tưởng, vận dụng và giải quyết tình huống”. Để thực hiện tiết dạy, thầy Tế đã lên mạng nghiên cứu những tiết dạy để học hỏi kinh nghiệm vì đây là lần đầu tiên thực hiện chương trình này.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, các trường cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, huy động các nguồn lực để đảm bảo tốt nhất điều kiện cơ sở vật chất; chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ, hình thành đội ngũ cốt cán về giáo dục STEM ở từng trường, từng huyện để tư vấn, hỗ trợ việc triển khai đại trà trong năm học mới.

Sở GD-ĐT Vĩnh Long sẽ tổ chức sơ kết một năm thực hiện thí điểm kết hợp ngày hội giáo dục STEM. Các trường thí điểm lựa chọn những sản phẩm STEM của học sinh để trưng bày. Đồng thời, cần đánh giá kết quả thực hiện thí điểm với đầy đủ thuận lợi, khó khăn; ưu điểm, hạn chế; xác định bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp triển khai trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, sẽ có định hướng chỉ đạo thực hiện giáo dục STEM đại trà từ năm học 2024-2025 hướng đến mục tiêu đảm bảo thuận lợi, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN