Tuyển sinh 2023: Thu hút sinh viên cho các ngành khoa học cơ bản

Cập nhật, 18:50, Thứ Tư, 15/03/2023 (GMT+7)

Tỉ lệ nhập học chênh lệch giữa các ngành, lĩnh vực đào tạo xuất phát phần lớn từ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Ngành nào có nhu cầu nhân lực lớn, thí sinh lựa chọn nhiều. Tuy nhiên, có những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước nhưng ít được người học quan tâm.

Các trường đại học, trường phổ thông và xã hội cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp cho học sinh để các em hiểu rõ về các ngành đang rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Việc thí sinh đổ xô vào học các ngành "hot" và kém mặn mà với một số ngành khoa học cơ bản là thực tế nhiều năm vừa qua trong tuyển sinh đại học. Một số ngành khoa học cơ bản rất cần cho xã hội nhưng lại chật vật trong tuyển sinh và những năm gần đây luôn là một trong các ngành tỉ lệ tuyển sinh thấp nhất.

Làm gì để thu hút sinh viên cho ngành khoa học cơ bản? 

Nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, thời gian qua, nhiều trường đại học đã tìm cách thu hút người học vào những ngành cơ khí, xây dựng, khoa học cơ bản. Bởi đây là những lĩnh vực được coi là "xương sống" của nền kinh tế và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Với ngành khoa học cơ bản, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra chương trình học bổng nhằm thu hút học sinh giỏi vào học tập chương trình ươm tạo nhà khoa học.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu triển khai từ mùa tuyển sinh năm 2022 các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với gói học bổng gồm: Miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.

Trong bối cảnh tăng học phí, chính sách thu hút thí sinh không chỉ đơn thuần là giúp đào tạo theo nhu cầu của thị trường, mà còn định hướng, cân bằng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Chính vì vậy, năm 2022, số lượng thí sinh đăng ký vào khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tăng cao. Khoa văn tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt 1 với điểm chuẩn 27,75.

Nhiều khoa khác như Triết học, Tôn giáo học, Thông tin thư viện của trường cũng thu hút người học và tuyển sinh thành công. Kết quả có được nhờ những chính sách chiến lược nhằm tăng sức hút cho các ngành khoa học cơ bản của trường.

Cũng nhằm hấp dẫn người học, các trường đang tích cực đổi mới chương trình đào tạo. Giáo trình và kiến thức cập nhật theo chuẩn quốc tế. Dù là các ngành học thiên về lý thuyết nhưng phương pháp giảng dạy đã thay đổi nhiều. Tiết học mở, sinh viên học theo cách chủ động và được thực hành thường xuyên.

Rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, việc tỉ lệ nhập học chênh lệch giữa các ngành, lĩnh vực đào tạo xuất phát phần lớn từ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Ngành nào có nhu cầu nhân lực lớn, thí sinh lựa chọn nhiều. Tuy nhiên, có những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước nhưng ít được người học lựa chọn.

Nguyên nhân có thể do việc học tập các lĩnh vực này rất khó, cần nhiều trang thiết bị hơn hoặc công tác truyền thông chưa làm tốt nên thí sinh chưa hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn theo học.

Hiện nay, thị trường việc làm tại Việt Nam vẫn chú trọng vào các ngành nghề có tính ứng dụng cao, phù hợp nhu cầu xã hội. Đó là những ngành liên quan đến kinh tế, công nghệ thông tin hoặc kỹ thuật. Các ngành khoa học cơ bản bị đánh giá là lý thuyết, không áp dụng được nhiều trong thực tế. Đặc biệt, phần lớn các ngành khoa học cơ bản không dễ dàng xin việc làm đúng hoặc gần giống với ngành học tại những doanh nghiệp, công ty tư nhân. Trong khi cơ quan Nhà nước lại quá ít chỉ tiêu để tiếp nhận hết số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm ở những ngành này.

Chỉ riêng trong thời gian đầu năm 2023, theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ làm việc Hà Nội, những ngành như: Vận tải-logistics, công nghệ thông tin, dịch vụ khách sạn và du lịch, dịch vụ ngân hàng… đang có nhu cầu tuyển dụng lên đến 100.000 đến 120.000 vị trí việc làm. Trong khi tại các viện nghiên cứu ở Việt Nam, số lượng người được tuyển vào mỗi năm rất hạn chế.

Một lý do nữa khiến các ngành khoa học cơ bản bị “thất sủng” trong mắt người học là thu nhập thấp.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị, các trường đại học, trường phổ thông và xã hội cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp cho học sinh để các em hiểu rõ về các ngành đang rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Các cơ quan Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ cho các ngành quan trọng như: Toán học, khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ để giảm bớt khó khăn cho sinh viên nhập học vào những ngành này. Từ đó, tạo ra sự cân đối trong việc phát triển ngành nghề, đặc biệt là những ngành thiết yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hiện nay, Chính phủ đã có một số chương trình hỗ trợ phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực vật lý, hóa học, toán học, nhưng hỗ trợ trực tiếp cho đào tạo thì chưa nhiều.

Bộ GD&ĐT đang được Chính phủ giao xây dựng một đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Trong đề án này, Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất các giải pháp về chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường với doanh nghiệp về đào tạo nghiên cứu, hợp tác quốc tế để tăng sự thu hút của các ngành nghề này với học sinh. Đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng như phòng thí nghiệm, thực hành, đặc biệt là hỗ trợ đào tạo sau đại học.

Bản thân các trường đại học phải rất nỗ lực, với nhiều giải pháp khác nhau để thu hút thí sinh vào học các ngành khoa học cơ bản.

Theo Phương Liên/Chinhphu.vn