Sổ tay

Giáo dục bằng tình yêu thương

Cập nhật, 11:11, Thứ Tư, 29/03/2023 (GMT+7)

Râm ran đôi ba bữa, lại có những câu chuyện giữa thầy với trò, học sinh đánh học sinh, … Đó là những câu chuyện có khi cả tháng trước được tung rồi nay lại xuất hiện; cũng có những chuyện mới mà phụ huynh cứ tranh luận đúng sai,... phạt, dạy học trò sao cho đúng?

Câu hỏi thật không dễ trả lời trong thời điểm hiện nay, khi mà tâm lý lứa tuổi học sinh vốn đã phức tạp, càng thêm rối rắm bởi mạng xã hội, bởi cách dạy con của mỗi gia đình.

Tuy nhiên, những gì cần thiết nhất để giữ danh dự cho học trò ở lứa tuổi rất coi trọng danh dự là cần thiết. Dẫu vậy, phạt vẫn phải phạt vì đã không quy định thì thôi, có quy định mà không thực hiện thì tính kỷ luật sẽ thế nào? Vấn đề là phạt thế nào để học sinh hiểu, sửa đổi mới là một bài toán khó.

Ai trong chúng ta cũng từng là học sinh, đã từng đi học và chắc đã từng bị đòn roi?! Nhưng theo thời gian cuộc sống thay đổi rất nhiều, chúng ta không thể áp dụng cách giáo dục của những năm 2000 cho năm 2023! Giống như cách dạy con vậy, cha mẹ tôi dạy tôi và tôi dạy con tôi khác nhau xa lắm. Cha mẹ tôi thường hay bắt nằm cúi đánh, một hai roi cho chừa nhưng chúng tôi run bần bật và hứa không tái phạm. Thầy tôi đánh trò vì nói chuyện nhiều lần trong lúc thầy giảng bài, chúng tôi chưa bao giờ giận thầy lại ý thức hơn không nói chuyện riêng. Chuyện 20 năm trước, giờ khác rồi!

Cháu tôi không học bài, chị tôi chưa kịp đánh đã hét inh ỏi tìm bà ngoại giải cứu. Mỗi khi chị tôi phạt con úp mặt vào tường suy nghĩ lỗi của mình thì cháu lầm bầm trong miệng “bà già khó khăn”, … đại loại vậy. Thú thật, tôi rất cảm thông cho thầy cô trong giáo dục học trò hiện nay. Và trước hết gia đình chúng ta hãy dạy con mình và cho thầy cô lời khuyên khi con đến trường. Tôi đi họp phụ huynh, có phụ huynh dặn “ thầy cứ đánh nếu cháu không chịu học thầy nha”, có người lại dặn “con tôi tôi dạy, cô đừng có đánh,…”.

Không khó khăn gì để phụ huynh và giáo viên liên hệ với nhau, cũng không tốn kém vậy thì ngại gì mà không thông tin trao đổi. Hãy cùng nhau phối hợp chọn cách giáo dục trẻ tốt nhất, trở thành người có ích cho bản thân học sinh, cho gia đình, xã hội.

Tôi thiết nghĩ, quan trọng không phải phạt như thế nào mà là sau khi phạt xong, người thầy hay học trò có nhìn thấy lỗi của mình và cải thiện hay không? Hay tình hình càng nặng nề hơn?

Thương không phải cho roi cho vọt nữa! Nhưng thương là không bỏ mặc học trò muốn làm gì thì làm. Hãy dạy học sinh bằng tình yêu thương, từ cái tâm nhà giáo, cái tâm của người làm cha, làm mẹ. Đừng vô cảm với học trò vì như vậy sẽ sản sinh ra “n lần” những học sinh vô cảm. Mà sự vô cảm hiện nay vốn dĩ đã nhiều rồi, không cần sinh thêm nữa!

CAO HUYỀN

 

Các tin khác: