Để học sinh "ở đâu cũng được học"

Cập nhật, 06:22, Thứ Tư, 27/10/2021 (GMT+7)
Học sinh lớp 1 học qua sóng truyền hình bên cạnh những phương pháp học khác tùy theo từng trường.
Học sinh lớp 1 học qua sóng truyền hình bên cạnh những phương pháp học khác tùy theo từng trường.

Các em học sinh vẫn chưa được đến trường, do tình hình dịch COVID- 19. Để tất cả các em đều được học, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã phối hợp tổ chức nhiều hình thức học tập phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng học sinh. Đồng thời, với học sinh chưa thể về địa phương cũng được hỗ trợ để có điều kiện học tập thuận lợi.

Dạy và học theo hình thức phù hợp nhất

Để đảm bảo việc học tập của các em không bị gián đoạn, các trường trong tỉnh đã triển khai nhiều hình thức như học trực tuyến, học trên truyền hình, dạy qua Zalo, dạy bằng cách gửi tài liệu,… ngay từ khi bắt đầu năm học mới.

Tỉnh Vĩnh Long đang tổ chức dạy học trên sóng Truyền hình Vĩnh Long, kênh THVL4 cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Mỗi tiết dạy được giáo viên chuẩn bị chu đáo từ nội dung đến phương pháp, nhằm đảm bảo kiến thức trọng tâm, ngắn gọn, nhẹ nhàng, dễ tiếp thu, phù hợp với lứa tuổi học sinh đầu cấp. Anh Nguyễn Văn Phú- phụ huynh ở xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình) có con đang học lớp 6 và lớp 1 cho biết: “Hai con tôi đều học trên truyền hình, con gái lớn lớp 6 thì học cả 2 hình thức truyền hình và trực tuyến luôn. Tôi thấy học trên ti vi hơi nhanh nhưng thầy cô giảng dễ hiểu và tôi có thể lên mạng cho con xem và học lại bất cứ lúc nào, nên rất thuận lợi”.

Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, giáo viên hiện nay cũng dạy theo nhiều hình thức khác nhau. Thậm chí, cùng lớp học có nhiều cách dạy và một học sinh cũng có thể tham gia nhiều phương pháp học. Cô Lê Thị Kim Phượng (Trường Tiểu học Thạch Thia) đang dạy học sinh khối 2 của trường bằng cách kết hợp 3 phương án: dạy trực tuyến, gửi tài liệu và học trên truyền hình. Cô Phượng cho biết: “Theo khảo sát đầu năm học thì chỉ 50- 60% học sinh có điều kiện học trực tuyến, những học sinh còn lại tôi gửi tài liệu qua Zalo có kèm hướng dẫn cho phụ huynh dạy các em”. Những phụ huynh không có Zalo do không sử dụng điện thoại thông minh, cô Phượng có thể đến tận nhà trao tài liệu cho các em. Đối với học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến, cô vẫn phát tài liệu cho các em có nhu cầu.

Học sinh ở đâu cũng được học

Theo thống kê từ đầu năm học của Sở GD- ĐT Vĩnh Long, có khoảng 2.600 học sinh ở tất cả các cấp học chưa thể về địa phương học tập. Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục trong tỉnh tiếp nhận, tạo điều kiện cho các em học tập tại nơi cư trú.

Nhiều học sinh Trường THPT Hựu Thành (Trà Ôn) có hộ khẩu thuộc tỉnh Trà Vinh được tạo mọi điều kiện để học.
Nhiều học sinh Trường THPT Hựu Thành (Trà Ôn) có hộ khẩu thuộc tỉnh Trà Vinh được tạo mọi điều kiện để học.

Do xã Hựu Thành là vùng giáp ranh với tỉnh Trà Vinh nên có đến 190 học sinh Trường THPT Hựu Thành có hộ khẩu thuộc tỉnh Trà Vinh. Cô Huỳnh Ngọc Mỹ Xuyên- Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để tạo điều kiện cho học sinh học tập, ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp rà soát chặt chẽ, thông tin tuyên truyền về thời gian, hình thức học cho các em, phối hợp chặt với phụ huynh quan tâm kết nối, lắng nghe thuận lợi, khó khăn để các em yên tâm học tập”.

Riêng đối với những em học sinh ở tỉnh khác chưa thể trở về địa phương để học tập, Sở GD- ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tạo điều kiện cho các em tham gia học tập. Em Trần Nguyễn Tú Hân- học sinh lớp 10 (tỉnh Gia Lai), về quê ngoại nghỉ hè thì “kẹt dịch” ở xã Hòa Tịnh (Mang Thít). Tú Hân cho biết: “Ban đầu em lo lắm vì không biết có được học ở đây không. Mẹ em đã hỏi và đăng ký học ở Trường THPT Phạm Hùng”. Từ đó, Tú Hân được học trực tuyến và được thầy cô tạo điều kiện học tập như học sinh của trường này. Tú Hân nói thêm: “Giáo viên thường xuyên thăm hỏi động viên giúp em thích nghi điều kiện học tập mới”.

Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long Nguyễn Thị Ngọc Bích, cho biết: “Với phương châm không để bất kỳ học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Ngành giáo dục đã chỉ đạo các phòng GD- ĐT, hiệu trưởng các trường thực hiện tốt việc rà soát nắm chắc học sinh ngoài tỉnh chưa thể về địa phương. Trên cơ sở đó, phân công cho cá nhân tổ chức đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm liên hệ người thân của các em. Từ đó, thống nhất hình thức học tập phù hợp: nhận tài liệu qua mạng xã hội, qua truyền hình, nhận tài liệu tại nhà, học trực tuyến,… Nhờ sự nỗ lực, trách nhiệm của quý thầy cô giáo, đến thời điểm này, trên 99% học sinh ngoài tỉnh chưa về địa phương đã nhận được hình thức học phù hợp.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN