Chọn cho mình hướng đi vừa sức

Cập nhật, 08:58, Thứ Tư, 20/07/2016 (GMT+7)

Đăng ký xét tuyển năm 2016 có nhiều điểm khác biệt so với 2015, do đó thí sinh phải có sự cân nhắc, thận trọng khi đăng ký xét tuyển. Hơn nữa việc chọn trường, ngành học phù hợp, dễ xin việc làm,… cũng rất quan trọng.

Trước một “rừng” thông tin tuyển sinh của các trường CĐ, ĐH và hàng loạt các phương thức xét tuyển sẽ khiến không ít thí sinh phải đau đầu.

Kỳ 1: Muốn xét tuyển phải làm gì?

Thời điểm hiện tại, nhiều thí sinh vẫn chưa biết cách thức xét tuyển để tìm ra con đường vừa sức cho mình. Thậm chí, các em cũng không biết nên đăng ký xét tuyển lúc nào,… Với ngành, trường mà các em đã dự định trong đầu và số điểm thi vừa công bố, các em có khả năng đậu vào trường đó hay không?
Nhiều nụ cười sau kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Nhiều nụ cười sau kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Chọn trường, ngành vừa sức

Năm 2015, thí sinh được đăng ký vào 4 ngành trong một trường và có quyền thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển đầu tiên thì năm nay, Bộ GD- ĐT quy định thí sinh chỉ được đăng ký tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển.

Các đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo, thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành, không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt.

Do vậy, cân nhắc khi đăng ký 2 trường ở nguyện vọng 1 là rất cần thiết. Sau đợt xét tuyển đầu tiên nhiều trường ĐH đã đủ chỉ tiêu và không cần xét thêm nguyện vọng bổ sung.

Các trường ĐH y dược thường có điểm chuẩn cao, năm 2015 Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh có điểm chuẩn thấp nhất là 22,75 và cao nhất là 28 tùy theo khối ngành.

Trong khi đó, Trường ĐH Y dược Cần Thơ có điểm trúng tuyển thấp nhất là 22,75 cao nhất là 26 điểm. Các trường này đều có xét tiêu chí phụ là điểm thi môn Hóa khá cao (khoảng 7 điểm trở lên tùy ngành).

Đại học Kinh tế quốc dân có điểm chuẩn các ngành từ 22,75 đến 32,25. Trong đó, ngành Ngôn ngữ Anh có chuẩn đầu vào cao nhất là 32,25 (đã nhân hệ số 2 môn tiếng Anh) với tiêu chí phụ dành cho các đối tượng bằng điểm là ưu tiên người có điểm tiếng Anh từ 9 trở lên.

Học viện Ngân hàng có điểm trúng tuyển vào các ngành từ 21,5 đến 22,75 điểm, ngành cao điểm nhất là kế toán và tài chính ngân hàng có chuẩn đầu vào cao nhất là 22,75 và 22,5.

Sau khi nhân hệ số 2 môn chính, điểm chuẩn nhiều ngành, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh lấy trên 30. Trong đó, ngành Sư phạm Toán có điểm chuẩn cao nhất với 34,33.

Nhiều ngành khác lấy trên 30 điểm như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử,… ngành Giáo dục Chính trị khối C có điểm chuẩn thấp nhất với 18,5 điểm.

Trường ĐH Cần Thơ năm 2015 có điểm chuẩn các ngành đa số từ 20 trở lên, ngành có điểm chuẩn thấp nhất là nuôi trồng thủy sản 16 điểm. Trường ĐH Đồng Tháp có điểm tuyển ngành tiếng Anh thấp nhất là 15,08 và cao nhất là ngành Sư phạm Toán học 25,83 điểm.

Trong các lần tư vấn tuyển sinh do Sở GD- ĐT Vĩnh Long tổ chức, ông Phạm Văn Hồng- Phó GĐ Sở GD- ĐT Vĩnh Long- luôn khuyên thí sinh cần cân nhắc và thật sự thận trọng khi chọn trường, chọn ngành. Nhất là trong bối cảnh không thể rút lại hồ sơ như năm nay.

Muốn xét tuyển phải làm gì?

Sau khi có điểm thi, việc đầu tiên thí sinh cần làm là rà soát các môn mình dự thi, xem tổ hợp nào có điểm thi cao nhất. Các em xem ngành mình dự định xét tuyển những tổ hợp nào, có tổ hợp cao điểm nhất của mình trong đó hay không?

Tiếp theo đó là xem điểm chuẩn của trường dự định xét ở những năm gần đây là bao nhiêu? Nhiều chuyên gia chia sẻ: Điểm thi của các em phải cao hơn điểm trúng tuyển các năm trước mới yên tâm xét tuyển.

Trước ngày 1/8, thí sinh sẽ nhận được phiếu báo điểm, các em điền mã số trên phiếu điểm vào phiếu xét tuyển và gửi đến các trường đăng ký xét tuyển. Mỗi thí sinh đăng ký tối đa 2 trường. Lưu ý các em có thể đăng ký 2 tổ hợp môn khác nhau ở 2 trường đăng ký.

Theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học tại trường đã trúng tuyển.

Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng- môn Sinh học, nhiều thí sinh đã mua hồ sơ xét tuyển bằng học bạ tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Thí sinh Phạm Trường An (TP Vĩnh Long) cho biết: “Em nghĩ kết quả thi không khả quan hơn kết quả học tập, vì em đạt loại giỏi năm lớp 12”.

Về cách thức xét tuyển, thí sinh có thể nộp trực tuyến, nộp qua bưu điện hoặc nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại trường. Nếu nộp hồ sơ trực tuyến, thí sinh phải ghi số điện thoại di động.

Con đường thành công không nhất thiết chỉ vào ĐH, hoặc chỉ vào các ĐH top trên mới có khả năng xin được việc làm.

Hơn thế nữa, thí sinh cũng nên cân nhắc cơ hội giữa xét tuyển bằng điểm thi và xét tuyển bằng học bạ vì một số trường có quy chế tuyển sinh riêng sẽ tuyển sinh theo 2 phương án.

Nếu thí sinh chỉ có điểm thi trung bình nhưng kết quả học tập lại đạt loại giỏi nhiều năm liền thì con đường xét học bạ rộng mở hơn nhiều.

Ngày 18/7, Bộ GD-ĐT đã có văn bản thông báo chính thức về điều chỉnh mốc thời gian trong lịch tuyển sinh:

- Xét tuyển đợt I: Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 14/8/2016. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 19/8/2016 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).

- Xét tuyển bổ sung đợt 1: Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 4/9/2016. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 9/9/2016.

- Xét tuyển bổ sung đợt 2: Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 23/9/2016. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 28/9/2016.

Kỳ sau: Con đường nghề rộng thênh thang

Bài, ảnh: CAO HUYỀN