Thầy cô chia sẻ thủ thuật làm bài thi hiệu quả

Cập nhật, 09:40, Thứ Tư, 29/06/2016 (GMT+7)

Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia sẽ diễn ra. Báo Vĩnh Long xin chia sẻ một số kinh nghiệm làm bài thi hiệu quả của thầy cô đang giảng dạy tại các trường THPT trên địa bàn. Hy vọng, những kinh nghiệm này sẽ giúp các em biết được các thủ thuật làm bài thi để có mùa thi thành công.

Cô Li Lan chúc các bạn thí sinh có mùa thi thật thành công.
Cô Li Lan chúc các bạn thí sinh có mùa thi thật thành công.

Thầy Nguyễn Hồng Phước-Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm: Để thi Toán điểm cao

“Theo thông tin từ Cục Khảo thí, đề thi gồm 60% cho cơ bản và 40% để phân hóa học sinh. Cụ thể, đề bài gồm 12 ý rơi vào các chủ đề: khảo sát hàm số, lượng giác, số phức, tích phân, phép tính logarit, giải PT-HPT-bất phương trình, hình học không gian cổ điển, hình học không gian, hình học giải tích, tổ hợp xác suất và bất đẳng thức.

Khi nhận được đề thi, các em cần lướt qua đề thi và đánh dấu (theo thứ tự ưu tiên) những câu quen thuộc mà các bạn đã từng gặp hoặc được luyện tập. Việc này rất quan trọng vì giúp bạn có cái nhìn tổng quát về đề thi và tự tin vì thấy rằng đa số các câu hỏi trong khả năng giải quyết của các bạn.

Nếu như đa phần các bài toán đều quen thuộc, thì tâm lý sẽ rất vững vàng hơn. Trường hợp đề thi có nhiều câu mới, rắc rối và lạ thì hãy bình tĩnh vì chúng ta có hẳn 3 giờ ở phía trước và rất nhiều thí sinh khác cũng gặp khó khăn như mình.

Sau khi có cái nhìn về đề thi thì hãy tìm cách có một khởi đầu hoàn hảo nhất bằng việc giải quyết một bài toán trong thời gian ngắn và trình bày gọn gàng nhất có thể (bài sở trường).

Có nhiều thí sinh quan niệm tìm lời giải bài toán khảo sát hàm số đầu tiên (ưu điểm: dễ, quen thuộc). Tuy nhiên, nếu không cảm thấy tự tin hãy nên bắt đầu bằng bài toán khác như giải phương trình lượng giác hoặc số phức vì những dạng bài này chủ yếu là những biến đổi đại số thuần túy nên lời giải thường gọn gàng và ít có lời văn diễn đạt.

Việc chọn giải bài đầu có vai trò cực kỳ quan trọng, vì nếu gặp trục trặc sẽ rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh. Sau khi giải quyết được bài toán đầu tiên, thông thường ta còn phải chiến đấu với 9 bài toán còn lại. Hãy tạm quên đi sự có mặt của bài toán cuối cùng, thường là bài toán về bất đẳng thức- cực trị (chỉ dành cho những học sinh thật sự xuất sắc). Như vậy ta chỉ còn giải quyết 8 bài toán còn lại và ta còn những…170 phút.

Việc có một thứ tự giải quyết các bài toán hợp lý rất quan trọng. Chiến thuật làm bài hợp lý sẽ giúp chúng ta có được nhiều thời gian giải quyết các bài toán khó hơn. Hãy nhớ: Trong thời gian 90 phút đầu, cố gắng giành càng nhiều điểm càng tốt.

Phương án tối ưu nhất đi giải quyết các bài toán từ dễ đến khó là theo sở trường của mỗi bạn, gợi ý là: phương trình lượng giác, khảo sát hàm số, số phức, tích phân, logarit, tọa độ không gian, hình học không gian, hệ phương trình, giải tích phẳng và cuối cùng là bất đẳng thức. Tuy nhiên trong khi giải, nếu trong vòng 10 phút không tìm được hướng đi thì nên bỏ qua để làm bài khác rồi quay lại giải quyết nếu còn thời gian”.

Cô Tô Li Lan- giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Lưu Văn Liệt: Nắm kỹ năng làm bài

Theo kinh nghiệm, khuyết điểm chủ yếu của hầu hết học sinh là nghèo nàn về vốn từ và nắm không vững cấu trúc ngữ pháp. Để khắc phục tình trạng này, các em cần phải học thuộc một số từ theo chủ đề thường gặp trong chương trình Anh văn lớp 12. Lên kế hoạch cụ thể ôn lại các cấu trúc ngữ pháp theo từng chuyên đề. Làm nhiều bài tập có cấu trúc giống đề thi.

Học sinh phải nắm được một số kỹ năng làm bài:

1. Đọc đề bài:

Ngay khi nhận đề thi, học sinh nên đọc lướt toàn bộ đề thật nhanh trong vòng vài phút, chọn những câu dễ làm trước, sau đó dành thời gian cho những câu còn lại.

2. Phương pháp loại trừ

Khi làm một câu trắc nghiệm, phải đánh giá để loại bỏ ngay những phương án sai và tập trung cân nhắc trong các phương án còn lại.

Thường trong 4 đáp án của mỗi câu hỏi, chắc chắn đã có 2 đáp án loại bỏ ngay và chỉ để ý 2 đáp án còn lại sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn được câu trả lời chính xác và việc lựa chọn này cũng nên quyết đoán.

Vì thi trắc nghiệm là một cuộc đua về thời gian nên học sinh không nên dừng lại quá lâu ở bất cứ câu hỏi nào. Với những câu không biết chắc đáp án chính xác, nên dùng phương pháp loại trừ để loại bỏ được càng nhiều phương án sai càng tốt.

Tuyệt đối không nên để trống một câu nào. Kể cả với những câu không thể trả lời được cũng nên đánh dấu vào một trong các phương án bởi nếu may mắn, học sinh có thể trả lời đúng, còn nếu trả lời sai thì cũng không bị trừ điểm.

3. Chú ý tới vấn đề thời gian

Đối với mỗi câu hỏi, học sinh sẽ có khoảng 1- 2 phút để tìm ra đáp án trả lời. Học sinh cần đặc biệt lưu ý những câu hỏi “bẫy”, đưa ra nhiều đáp án gần giống với đáp án đúng. Cần hết sức thận trọng và đọc kỹ, hiểu kỹ câu hỏi và các phương án trả lời để lựa chọn chính xác nhất. Không nên mất nhiều thời gian vào những câu hỏi mà mình không rõ.

Đối với học sinh trung bình yếu, cần nắm vững các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng đơn giản để có thể đạt được 5, 6 điểm. Còn đối với học sinh khá giỏi, các em nên rèn luyện phần đọc hiểu, vì đó là phần khó nhất trong bài thi, nếu các em làm tốt phần đọc hiểu, bài thi sẽ đạt điểm 9, 10.

Sau khi làm bài xong, các em nên kiểm tra cẩn thận phiếu trả lời trắc nghiệm để tránh bỏ sót câu hoặc tô nhầm đáp án.

THÚY QUYÊN- KHÁNH DUY (ghi)